Các nghiên cứu đều khẳng định rằng ngủ đủ giấc có tác động rất lớn tới hiệu suất hoạt động thể thao của chúng ta. Ví dụ, một nghiên cứu bởi Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ chứng minh rằng các vận động viên ở độ tuổi vị thành niên ngủ từ 8 tiếng trở lên mỗi đêm giảm thiểu tới 68% nguy cơ gặp chấn thương so với những người kém ngủ.
Bên cạnh đó, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ còn có thể ảnh hưởng tới kỹ năng nhận thức và khả năng vận động:
+ Với VĐV tennis, ngủ đủ giấc giúp tăng 42% độ chính xác trong các buổi tập.
+ Với VĐV bơi lội, ngủ đủ giấc làm tăng 17% tốc độ phản xạ khi xuất phát.
+ Với VĐV bóng bầu dục, ngủ đủ giấc giúp giảm 0,1 giây thời gian chạy quãng đường 40 yard (xấp xỉ 36,5 mét).
Mặc dù chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể nào cho người chơi bóng đá, nhưng rõ ràng có thể tin rằng những phát hiện này cũng ảnh hưởng tích cực đến độ chính xác, tốc độ phản ứng và ra quyết định khi chơi bóng.
Song đó chưa phải là tất cả, các nghiên cứu còn chỉ ra thêm rằng việc thiếu ngủ có thể làm…
+ Giảm 30-40% hoạt động chuyển hóa glucose của cơ thể.
+ Giảm 11% tốc độ hồi sức.
+ 2 ngày thiếu ngủ có thể làm tăng thêm 3 lần các sai sót và phản ứng.
+ Căng thẳng nhận thức tăng 17-19% sau 30 giờ không ngủ.
Với những kết luận trên, rõ ràng giấc ngủ có một tác động rất lớn đến hiệu suất chơi thể thao. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các vận động viên hàng đầu đều rất chú trọng tới vấn đề ngủ-nghỉ của bản thân.
Trong các giáo trình đào tạo vận động viên đỉnh cao, ngủ và nghỉ ngơi chiếm một phần chính không kém gì khối lượng luyện tập. Đơn giản bởi quá trình tập luyện đã lấy đi của cơ thể rất nhiều sức lực và tăng sự mệt mỏi tinh thần, vì thế cần phải dành nhiều thời gian cho cơ thể phục hồi. Một sự cân bằng hợp lý giữa tập luyện và hồi phục sẽ giúp vận động viên đổi mới năng lượng và đạt hiệu quả thi đấu cao hơn là chỉ lao đầu vào cải thiện các chỉ số trong tập luyện mà bỏ bê việc nghỉ ngơi đúng cách.
Nhà vô địch điền kinh thế giới Moses Kiptanui đúc kết rằng: “Nghỉ ngơi hồi phục cũng quan trọng như luyện tập, nhưng không phải là hồi phục theo nghĩa mà hầu hết mọi người vẫn hiểu về nó. Nếu não của chúng ta vẫn đang hoạt động trong quá trình hồi phục, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa thực sự hồi phục đầy đủ. Nghỉ ngơi chất lượng cũng chính là đang luyện tập”.
Được biết, nhiều vận động viên đỉnh cao trong quá trình tập nặng có thể ngủ đến 16 tiếng mỗi ngày. Điều đó không có nghĩa là họ lười biếng, mà là họ đang chăm sóc cơ thể của mình để đạt hiệu suất cao nhất khi thi đấu.
Hầu hết mọi người đang đọc bài viết này không phải là những vận động viên chuyên nghiệp nên đòi hỏi ngủ 16 tiếng/ngày là điều bất hợp lý. Tuy nhiên, cần hiểu rằng giấc ngủ không chỉ quan trọng với việc chơi thể thao mà cả với công việc chúng ta đang làm trong cuộc sống. Ngủ đủ giấc sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống chất lượng hơn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ giúp sản sinh số lượng tế bào não và bảo vệ mạch não của chúng ta. Ngược lại, mất ngủ dẫn đến việc mất tế bào não và tệ hơn nữa là làm tăng những căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự trao đổi chất và về lâu dài có tác động nguy hiểm, suy yếu sức khỏe.
Tóm lại, nếu anh em thấy rằng mình đang ngủ chưa đủ 8 tiếng mỗi đêm thì hãy cố gắng để thay đổi vì một cuộc sống chất lượng hơn chứ không riêng gì việc chơi thể thao hay hơn.