Cách thức và chiến lược phòng ngự trong bóng đá (phần 1)


Cách thức và chiến lược phòng ngự trong bóng đá (phần 1)

Tin Tức
THÁI SƠN - Thứ năm, ngày 04-05-2017 - 14:08:57
Bình luận
Những pha bóng tấn công mang lại cảm xúc cho bóng đá, nhưng cách chúng ta phòng ngự mới là yếu tố tiên quyết tạo nên thành công lâu dài cho đội bóng.

Hầu hết anh em chơi bóng đều có khuynh hướng tự nhiên là muốn sở hữu bóng và cố gắng để ghi bàn. Vì thế, không quá bất ngờ nếu ý thức phòng ngự thường bị xem nhẹ. Bài viết này sẽ bao quát toàn diện những lời khuyên thiết yếu, chiến thuật và chiến lược phòng ngự trong thi đấu. Đây là những điều mà các đội bóng mạnh đều nắm vững, trong khi các đội yếu dường như không thể hình dung ra được.

Phòng ngự tốt như thế nào?
Chúng ta sẽ xem xét một số chiến lược cụ thể ở phần dưới nhưng về cơ bản, để phòng ngự đạt kết quả tốt thì đó là nhiệm vụ của mọi cầu thủ chứ không của cá nhân vị trí nào hết. 

Trong những tình huống phòng ngự, chúng ta cần định vị vị trí giữa cầu thủ đối phương với mục tiêu của họ (ở đây là cầu môn của chúng ta), đảm bảo không để họ có cơ hội dứt điểm, không cho họ vượt qua và gây khó khăn cho họ để có cơ hội giành lại bóng.

Tất nhiên có rất nhiều kỹ năng và lời khuyên mà chúng ta không thể thực hiện tốt ngay lập tức. Vì vậy, hãy lưu lại những kinh nghiệm này, chia sẻ với các đồng đội để cùng nhau thực hiện, giúp cho đội bóng của anh em trở nên khó bị đánh bại.


1. Ý thức chống phản công
Khi đội nhà tấn công, anh em rất dễ lơi là nhiệm vụ phòng ngự của mình. Đó chính là lúc đội bóng của chúng ta dễ bị tổn thương bởi những pha phản công nhất. 

Hãy đảm bảo rằng luôn đủ tỉnh táo để chống phản công ngay cả khi đội nhà đang tổ chức tấn công. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải kè kè chỉ lo thủ ở sân nhà, mà là có những cầu thủ luôn sẵn sàng chuyển sang trạng thái phòng ngự, đánh chặn bất kỳ pha phát động nhanh nào nếu đội nhà mất quyền sở hữu bóng.

Trách nhiệm này thuộc về bất kỳ cầu thủ nào trong suốt quá trình của trận đấu, nhưng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nếu có những vị trí chuyên trách, ví dụ tiền vệ trung tâm và trung vệ. Đây là những người thường đứng thấp nhất đội hình (trừ thủ môn) nên có tầm nhìn bao quát, thuận lợi để phán đoán tình hình hơn cả.

Trong những tình huống chống phản công như vậy, anh em sẽ cần trang bị những kỹ năng phòng ngự ít chống nhiều, hãy tham khảo thêm ở bài viết TẠI ĐÂY.


2. Chuyển nhanh trạng thái 
Khoảnh khắc phòng thủ quan trọng nhất chính là thời điểm chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự. Phản ứng tự nhiên khi đội nhà mất bóng thường là chững lại, sau đó miễn cưỡng bắt đầu lui về phần sân nhà. Nhưng 3 giây đầu tiên sau khi mất quyền kiểm soát bóng là rất quan trọng và việc chuyển trạng thái ngay lập tức sẽ giúp hiệu quả phòng ngự tăng lên rất nhiều. 

Nếu có cơ hội, hãy cố gắng đoạt lại bóng ngay trong vòng 3 giây đầu vì lúc này đối phương cũng chưa kịp dàn đội hình tấn công và họ sẽ mất thời gian để làm chủ trái bóng. Còn nếu không, trở lại vị trí phòng ngự của mình thật nhanh, khỏa lấp các khoảng trống phần sân nhà thì đối phương sẽ rất khó tấn công được.

Để làm được như vậy đòi hỏi anh em cần phải có thể lực tốt. Bởi điều hiển nhiên là muốn chơi bóng giỏi thì ngoài kỹ năng, sức khỏe cũng là điều kiện không thể nào thiếu được.

3. Thái độ và trách nhiệm: phòng ngự không chỉ là nhiệm vụ của hậu vệ
Bóng đá bây giờ không có chỗ cho tư tưởng tiền đạo thì không cần phòng ngự, kể cả là sân 11, sân 7 hay sân 5 cũng vậy. Bóng đá bây giờ là tấn công như một đội và phòng ngự cũng như một đội.


Song thực tế với bóng đá cấp phong trào, cầu thủ không chịu tham gia phòng ngự vẫn là một vấn đề phổ biến. Nếu gặp đối thủ mềm thì có thể không sao, nhưng nếu va đúng đối có ý thức chiến thuật tốt thì khi bạn không chịu hỗ trợ phòng ngự, đội nhà sẽ lập tức bị áp đảo về quân số và có thể phải trả giá.

Mỗi cầu thủ đều giữ một vai trò trên sân và việc chúng ta làm tốt hay dở phụ thuộc rất nhiều ở thái độ. Nếu các thành viên trong đội không thấy trách nhiệm phải hỗ trợ lẫn nhau thì đó không phải là một tập thể. Trách nhiệm tập thể trong việc phòng thủ là nguyên tắc cơ bản của phòng ngự mà những đội hàng đầu đều hiểu rõ.

Hãy luôn giữ sợi dây liên kết với các đồng đội xung quanh, hỗ trợ họ bất cứ khi nào có thể: đó là cách để chiến thắng trận đấu. Ngược lại, một mắt xích không vận động hoàn toàn có thể khiến cả guồng quay bị trì trệ. 

4. Luôn luôn che chắn hướng vào cầu môn 
Khi lựa chọn vị trí phòng ngự, có những nguyên tắc hết sức cơ bản, đó là chắn giữa đối phương với cầu môn đội nhà. Đó không chỉ là yếu quyết dành cho các trung vệ mà cả các hậu vệ cánh, các tiền vệ hay các tiền đạo cũng cần ghi nhớ. Bởi đó là cách tốt nhất hạn chế nguy cơ cầu môn nhà bị bắn phá.

Mặt khác, nếu chúng ta để đối thủ vượt qua thì họ sẽ có cơ hội. Vì thế, điều quan trọng là nếu đối phương di chuyển tiến về phía trước, chúng ta không được phép để họ luồn ra sau lưng chúng ta. 


Ví dụ như ở hình trên đây, cầu thủ A chọn sai vị trí khi cố đứng chắn đường chuyền của cầy thủ C cho cầu thủ B nhưng lại không che chắn hướng di chuyển của B đến cầu môn. Vì vậy, B đã di chuyển ra sau lưng A và có một cơ hội rõ ràng để ghi bàn thắng.

Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá