Chấn thương đầu gối và những điều cần biết (phần 2)


Chấn thương đầu gối và những điều cần biết (phần 2)

Tin Tức
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Thứ sáu, ngày 13-01-2017 - 10:34:31
Bình luận
Nói về chấn thương, ám ảnh nhất với các cầu thủ bóng đá có lẽ là chấn thương đầu gối. Không chấn thương nào dễ chịu cả, nhưng chấn thương đầu gối đã khiến rất nhiều người không bao giờ còn chơi bóng được như trước.

>>Chấn thương đầu gối và những điều cần biết (phần 1)

Nguyên nhân chấn thương đầu gối

Những điều đã được trình bày ở phần 1 bài viết hẳn sẽ khiến các bạn cảm thấy lo lắng và rõ ràng không ai muốn gặp phải chấn thương đầu gối chút nào. Sự thực là rất khó biết được tình trạng bên trong chiếc đầu gối của bạn như thế nào, liệu nó có thực sự ổn hay không. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu để chúng ta phòng ngừa những trường hợp tồi tệ có thể xảy đến.

Theo chuyên gia vật lý trị liệu Nell: “Nếu gân khoeo hay phần bắp chân của bạn cảm giác bị căng khi cử động, nó sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối. Qua thời gian, tình trạng này có thể làm suy yếu sụn chêm và nếu bạn thường xuyên thực hiện các động tác xoay, hãm trong lúc thi đấu, một ngày nào đó việc không ai muốn sẽ xảy đến.


Những loại chấn thương đầu gối như đứt dây chằng chéo hay tổn thương sụn chêm đầu gối thường xảy ra với những người có dấu hiệu khó chịu ở gân khoeo, phần bắp hoặc mất cân bằng liên kết giữa các bộ phận”.

Nghe có vẻ đầu gối của chúng ta giống như một quả bom hẹn giờ vậy. Lời khuyên ở đây là hãy thường xuyên lắng nghe cơ thể mình, nhận biết những dấu hiệu bất thường trước khi điều tồi tệ xuất hiện.

Làm gì để phòng tránh chấn thương đầu gối?

Nghiều người nghĩ rằng cách tránh chấn thương đầu gối chỉ đơn giản là tăng cường luyện tập cho đầu gối. Thực ra mới chỉ đúng một nửa.

Thay vì chỉ luyện tập đầu gối để đối phó vấn đề, bạn nên tìm hiểu và giải quyết những nguyên nhân trực tiếp gây ra sự khó chịu. Hay nói cách khác, bằng cách điều trị tận gốc vấn đề ở gân khoeo hoặc bắp chân, bạn sẽ ngăn ngừa những hệ lụy xảy đến với đầu gối.

Nell giải thích: “Bạn có thể tập các bài tập tăng cường đầu gối cụ thể, nhưng vấn đề là một chấn thương đầu gối không có nghĩa nguyên nhân là do đầu gối. Đầu gối là khớp bản lề, nó hơi có khả năng xoay các hướng, nhưng về cơ bản nó như là bản lề, và việc nó khỏe hay yếu phụ thuộc vào cách xương đùi với xương chày hoạt động.


Ở phía trên xương đùi là hông để xoay. Ở dưới cùng của xương chày là bàn chân và mắt cá chân cũng để xoay. Đó là những vị trí trên chân của bạn để xoay trở và cũng là những nơi dễ gặp các vấn đề.

Khi bạn bị căng ở bắp chân hoặc hông, bạn vẫn chơi bóng và có một động tác vặn chân chuyển hướng, lực tác động sẽ truyền đến đầu gối, làm dây chằng căng quá mức và phần sụn chêm dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương. Tương tự, nếu phần mắt cá hoặc bàn chân bị căng cứng cũng sẽ tác động xấu đến đầu gối.

Đối với hầu hết mọi người, vấn đề đầu gối bắt nguồn từ phần hông/xương chậu hoặc bàn chân/mắt cá. Vì vậy nếu chỉ tập luyện đầu gối thì chưa phải giải pháp toàn diện. Bởi trong hầu hết trường hợp, đầu gối chỉ là nạn nhân, không phải nguyên nhân gây nên vấn đề”.

Bài tập cho đầu gối (áp dụng cả cho người từng bị chấn thương gối trong quá khứ)

Mục đích bài tập là cố gắng giảm những căng thẳng trong cơ bắp và cải thiện sự cân bằng, phối hợp giữa các bộ phận.

Lời khuyên của chuyên gia Nell là thực hiện tập luyện theo ba bước “giải phóng, ổn định và thực hành vận động”. Trước tiên, giải phóng những vấn đề gây ra căng thẳng cho cơ bắp. Thứ hai, ổn định đầu gối với các động tác chính xác. Cuối cùng, thực hành các động tác trong thực tế.

Một chuyên gia giỏi có thể giúp bạn giải phóng bất kỳ căng thẳng quá mức nào. Họ được đào tạo chuyên nghiệp để xác định cụ thể vị trí trên cơ thể bạn đang hoạt động bất ổn và cần được xử lý. Một khi các điểm áp lực khác nhau đã được xác định, các chuyên gia sẽ có phương pháp giải quyết bằng cách tập luyện với dụng cụ hỗ trợ hoặc xoa bóp.

Sau giai đoạn một, bạn sẽ bắt đầu ổn định đầu gối bằng việc sử dụng dụng cụ hỗ trợ vận động cân bằng. Cách tập này dạy cho cơ thể ổn định quanh khớp một cách trực quan, sử dụng cảm giác tự nhiên của cơ thể để điều chỉnh liên kết giữa các bộ phận với nhau trở lại sự cân bằng.


Nếu bạn cảm thấy đầu gối của mình không vững, đang có gì đó sai sai, dụng cụ cân bằng này sẽ cho bạn biết bởi bạn sẽ không thể đứng thăng bằng được trên nó. Tập luyện với dụng cụ này giúp cải thiện sự liên hệ giữa não bộ với đầu gối của bạn. Hãy cố gắng tập luyện 10 phút mỗi ngày.

Cuối cùng là bước thực hành các động tác cần thiết cho thi đấu dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia và biến nó thành thói quen vận động. “Sửa chữa” lại các động tác cho chuẩn là cách giảm nguy cơ chấn thương trong thi đấu.

Kết luận

Chấn thương đầu gối là kẻ thù của anh em đá bóng phong trào, điều mà ai cũng lo lắng. Trong nhiều trường hợp, chấn thương đầu gối là hệ quả của nhiều yếu tố tổng hợp: Áp lực dư thừa lên khớp gối, sự thiếu ổn định, thiếu vận động thường xuyên…

Một khi bạn đã gặp phải chấn thương đầu gối, bạn rất dễ bị tái phát trong tương lai, nhưng nó không phải là sự kết thúc. Trong trường hợp như vậy, bạn cần phải nỗ lực và kiên trì tập vật lý trị liệu, tập hồi phục nếu muốn thi đấu trở lại và để đảm bảo rằng bạn sẽ không bị tái phát trong tương lai.

Cho dù bạn có bị chấn thương đầu gối hay không, bạn vẫn nên chăm sóc nó thật tốt. Áp dụng những lời khuyên trong bài viết này sẽ giúp bạn giữ đầu gối ở điều kiện tốt nhất có thể.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá