Chuyện về các bầu phủi, những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng


Chuyện về các bầu phủi, những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Tin Tức
ĐỨC NAM - Thứ tư, ngày 25-01-2017 - 12:41:54
Bình luận
Với các CĐV bóng đá phong trào, bầu phủi được coi là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Quản lý một đội bóng phong trào khác hẳn làm chủ tịch 1 đội bóng chuyên nghiệp khi họ phải quán xuyến rất nhiều công việc không tên.
Theo dõi các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp ở các giải Premier League, La Liga, Serie A..., khán giả truyền hình thỉnh thoảng thấy camera bắt hình những ông chủ tịch đội bóng đạo mạo ngồi ở khu vực khán đài VIP. Họ đa phần là những doanh nhân thành đạt, có tầm ảnh hưởng lớn và nền tảng tài chính khổng lồ. Xung quanh những ông bầu này có những vị phó chủ tịch, những giám đốc điều hành, cố vấn, trợ lý đông đảo để giúp đỡ họ điều hành đội bóng. 

Nhưng với bóng đá phong trào, các ông bầu phủi quản lý đội bóng theo cách khác, tùy vào theo cá tính của mỗi người, nhưng có một điểm chung là họ phải quán xuyến, chung lưng đấu cật với cầu thủ, từ việc lớn, cho đến việc bé.

Ông bầu Dương Kon (giữa) của đội bóng Ocean là người rất chu đáo

Ví dụ như trường hợp ông bầu Dương Kon của đội bóng Ocean. Trong làng bóng phủi Hà thành, bầu Dương Kon nổi tiếng là người chịu chơi, đam mê bóng đá, giàu tham vọng trong việc xây dựng đội bóng Ocean của mình. Mặc dù công việc kinh doanh rất bận bịu nhưng mỗi khi đội tham gia giải, doanh nhân trẻ sinh năm 1987 này đều gác hết công việc lại, tham gia đội bóng với tư cách vừa là ông bầu, vừa làm HLV. 

Chuyện bầu Dương Kon phải di chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc hay Sài Gòn về Hà Nội buổi trưa rồi phi thẳng từ sân bay quốc tế Nội Bài ra luôn sân để điều hành đội bóng là rất bình thường. Xong trận, chủ tịch FC Ocean lại quay trở lại với công việc kinh doanh ngay lập tức. Ông bầu Dương Kon chia sẻ, sở dĩ anh phải di chuyển liên tục, có mặt cùng cầu thủ bởi có như vậy, các cầu thủ mới hết mình chiến đấu vì màu cờ sắc áo của đội bóng. 

Những món quà sau chuyến công tác của bầu Dương Kon cho cầu thủ đội bóng chỉ là những cái kẹo sâm, đôi giầy hay cái áo..., tuy giá trị vật chất không phải là quá lớn nhưng ý nghĩa tinh thần thì không thể kể xiết. 

Bầu Diệm của EOC sẵn sàng làm công việc xách nước, bổ cam

Hay như ở EOC, ông bầu Ngô Đình Diệm nổi tiếng về sự chu đáo và bình dị. Ông chủ của tập đoàn suất ăn công nghiệp EOC này khi cần sẵn sàng đóng vai xách nước, bổ cam cho các cầu thủ những lần tham gia giải hoặc đá giao hữu. Tại giải HPL S4, khi cầu thủ Tuấn "bệu" bị chấn thương phải phẫu thuật, bầu Diệm cùng với anh em đội bóng luôn sát cánh, chăm sóc tiền đạo ngôi sao của mình từng miếng ăn, giấc ngủ rất kỹ lưỡng.

Bầu Văn (phải) của Văn Minh luôn yêu cầu các cầu thủ đá đẹp

Trong lúc ấy, bầu Đàm Văn của FC Văn Minh lại quản quân bằng tài năng và sự hào sảng của mình. Ông bầu sinh năm 1976 này là ông chủ của Công ty Du Lịch Văn Minh với hơn 400 nhân viên, một doanh nghiệp lớn của tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với những chiếc xe khách đường dài chạy hai tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hà Tĩnh. Nhưng ông được các cầu thủ yêu mến không phải vì chuyện tài chính mà là cách đối nhân xử thế. Triết lý của bầu Văn là: "Khi bạn đối xử tốt với người khác và dành cho họ sự quan tâm chân thành thì bạn sẽ nhận lại những điều tốt đẹp”. 

Bầu Văn là người kiên quyết nói không với bạo lực sân cỏ. Đội bóng của ông được các CĐV yêu mến vì lối đá đẹp và rất nhiều cầu thủ từ chuyên nghiệp cho đến phong trào sẵn sàng thi đấu cho Văn Minh trong những trận đấu ở giải hay giao hữu vì triết lý đẹp của bầu Văn. Những ông bầu Dương Kon (Ocean), bầu Diệm (EOC), bầu Văn (Văn Minh) không thiếu tiền nhưng dấu ấn của họ ở các đội bóng phủi không phải là chuyện tài chính mà cách thu phục nhân tâm, cách đối xử hết lòng với CLB. Chính điều đó khiến họ quản lý đội bóng của mình rất thành công.

Ông bầu Dương Duy của FC Moon (phải) là người sống rất tình cảm

Mặt khác, không phải bầu phủi nào cũng có điều kiện tài chính dư giả. Rất nhiều ông bầu như Dương Duy (FC Moon), Tuấn Ngọc (FC Mylan), bầu Hoàng (Phoenix)... gặp khó khăn về tài chính hay trong cuộc sống nhưng các cầu thủ vẫn sát cánh, chia sẻ khó khăn để giúp đội bóng vượt qua thử thách. Họ trân trọng tình cảm, niềm đam mê bóng đá của các ông bầu nên đoàn kết nhau lại, giữ vững thương hiệu của đội bóng bằng những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, tinh thần chiến đấu nhiệt huyết mà không cần nhận một đồng bạc nào, thậm chí phải bỏ tiền túi ra để duy trì đội bóng.
 
Trường hợp của các đội bóng Nguyễn Trãi, F+ (hai đội lọt vào chung kết giải Long Biên mở rộng lần 4) lại khá đặc biệt. Những người như anh Phương "Khái" (Nguyễn Trãi), nhà báo Lê Thành Trung (F+) thực chất không phải là ông bầu dù họ có tiếng nói rất quan trọng. Các cầu thủ Nguyễn Trãi gọi Phương "Khái" là "người anh cả", còn các cầu thủ F+ gọi Lê Thành Trung là chủ tịch nhưng nguyên tắc sinh hoạt tập thể của các đội bóng này là đóng quỹ theo kiểu "Góp ba chốp" bình đẳng. Những người đứng đầu Nguyễn Trãi hay F+ luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các cầu thủ bởi cái tình, sự chân thành, chan hòa của họ và đó cũng chính là cách quản lý rất nhạy bén của những người như anh Phương "Khái" hay nhà báo Lê Thành Trung.

Ông bầu Tuấn Ngọc của FC Mylan và cậu con trai của mình trong 1 trận giao hữu

Chuyện về các bầu phủi, những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng có nói cả ngày cũng không hết. Mỗi người một vẻ nhưng có một đặc điểm chung: tình yêu bóng đá của họ là vô bờ bến, cách đối nhân xử thế của họ khiến các cầu thủ ngưỡng mộ và yêu mến. Có như vậy, đội bóng của họ mới có thể tồn tại và phát triển bởi trong giới phủi, tiền bạc có lúc quan trọng nhưng có lúc cũng chả là gì cả.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá