Sân cỏ nhân tạo có thực sự gây ra bệnh ung thư?


Sân cỏ nhân tạo có thực sự gây ra bệnh ung thư?

Tin Tức
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Thứ ba, ngày 03-01-2017 - 16:02:44
Bình luận
Thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin cho rằng chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo có thể mắc bệnh ung thư. Điều này khiến rất nhiều anh em đá bóng phong trào không khỏi hoang mang. Tồi tệ ở chỗ các thông tin được đăng tải một cách thiếu cơ sở khoa học, thiếu trách nhiệm càng khiến chúng ta không biết phải tin vào đâu.

Lý do có thông tin sân cỏ nhân tạo gây ung thư cho người chơi?

Chúng ta đều biết, hầu hết các sân cỏ nhân tạo được phủ lên bề mặt lớp hạt cao su nhỏ màu đen. Lớp cao su này có tác dụng cải thiện độ nảy tự nhiên của bóng và giữ cho mặt sân tránh bị mài mòn hoặc bị rách. Vấn đề là loại cao su này được tái chế từ lốp xe và không phải ai cũng chắc chắn rằng nó là một loại vật liệu an toàn với sức khỏe người chơi.

Về mặt tích cực, việc tái sử dụng các lốp xe cũ là giải pháp tuyệt vời giúp giảm thiểu rác thải, tiết kiệm chi phí. Nhưng...

Hạt cao su có nguy hiểm không?

Để kiểm tra nguy hại của loại hạt cao su này chẳng có gì khó khăn với khoa học hiện đại. Và các nhà nghiên cứu đã biết được rằng trong thành phần cao su làm lốp xe có chứa một số hóa chất bị coi là chất gây ung thư. Tuy nhiên, để xác định xem ngưỡng tiếp xúc như nào sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người thì vẫn chưa có cơ sở kết luận.

Hạt cao su làm từ lốp xe cũ
Hạt cao su làm từ lốp xe cũ

Chắc chắn chẳng ai điên rồ tới mức thử ăn những hạt cao su này. Hãy nhớ rằng phần lớn thời gian người chơi không bóng không tiếp xúc trực tiếp với hạt cao su mà là đế giày của chúng ta. Nếu điều này vẫn chưa đủ để bạn bớt lo lắng thì hãy biết rằng: 

+ FIFA từng đưa ra thông cáo về vấn đề này năm 2006. Ở thời điểm đó, họ kết luận rằng không có nguy cơ đáng kể nào liên quan tới sức khỏe khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo.
+ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu trong phạm vi hẹp về các mối liên hệ từ hạt cao su sử dụng trên sân cỏ nhân tạo và kết luận rằng, các dữ liệu hạn chế mà họ thu được không đáng để xem đây như mối nguy cơ.

Tóm lại, có thể hiểu là loại hạt cao su này chưa chắc an toàn tuyệt đối với con người, nhưng không đến mức phải lo sợ nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại sao mọi người vẫn nghĩ sân cỏ nhân tạo có thể gây ung thư?

Mối quan ngại về việc chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo dẫn đến ung thư được khơi lên bởi các tờ báo tại Mỹ. Đó là khi cựu tuyển thủ ĐTQG nữ nước này là Amy Griffin tới thăm một trung tâm điều trị ung thư cho trẻ em năm 2010, bà được một y tá kể lại rằng bệnh nhi bà đến thăm hôm đó là thủ môn thứ năm được điều trị trong tuần. Khi Amy phát hiện ra chuyện này, bà đặt nghi vấn rằng liệu có một mối liên quan giữa các bệnh nhi trên với việc chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo. Do đó, bà bắt đầu thu thập một danh sách các trường hợp tương tự.

Trong vòng 6 năm, Amy đã phát hiện 187 bệnh nhi mắc ung thư. Đáng nói, 150 trong số đó là có chơi đá bóng và 95 em thi đấu ở vị trí thủ môn (thủ môn thường phải lăn lộn trên sân). Nhiều tờ báo đã nghiễm nhiên xem báo cáo của Amy như một “nghiên cứu” mà không cần chứng minh (hay bác bỏ) bất cứ luận điểm gì.


Thông tin này nhanh chóng lan rộng và khiến dư luận hoang mang, đặc biệt khi những con số trong báo cáo mang đầy sức nặng. Bệnh ung thư không phải chuyện đùa, trong khi cái sân bóng vốn dĩ không thể tự mình phản bác lại quan điểm rằng chính nó là nguyên nhân khiến cho người chơi bóng bị mắc bệnh. Các phương tiện truyền thông, tất nhiên, đã bám vào cơ hội này để viết những bài báo giật gân hướng dư luận đến những suy nghĩ tiêu cực dành cho sân cỏ nhân tạo.

Làm sao để khẳng định chắc chắn có sự liên quan giữa ung thư với sân cỏ nhân tạo?

Báo cáo của Amy Griffin không thể coi là bằng chứng cho bất kỳ mối liên hệ nào giữa bệnh ung thư và sân cỏ nhân tạo. Để công bằng, Amy lẽ ra không nên vội vàng đưa vấn đề lên mặt báo như thế. Thay vào đó bà nên tìm kiếm câu trả lời ở những nơi có trách nhiệm.

Thực tế là một số nghiên cứu đã được tiến hành, song không có công trình nghiên cứu nào chuyên sâu để xem xét mức độ tác hại nếu có tiếp xúc với hạt cao su thông qua đường ăn uống, hô hấp, tiếp xúc vết thương hở, tiếp xúc thời gian dài lâu…

May mắn là gần đây Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã tiếp nhận vấn đề này một cách nghiêm túc. Họ khẳng định sẽ tiến hành những cuộc điều tra chi tiết hơn. Đây là một thông tin tốt cho tất cả những người chơi bóng đá trên mặt sân nhân tạo không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chúng ta cần một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và một kết luận có trách nhiệm về nguy hại (nếu có) khi chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo. 

Rửa sạch vết thương hở nếu tiếp xúc với hạt cao su
Rửa sạch vết thương hở nếu tiếp xúc với hạt cao su

Chúng ta có nên tạm dừng đá trên sân cỏ nhân tạo khi mọi thứ chưa rõ ràng?

Hiển nhiên đây là lựa chọn của cá nhân mỗi người. Hãy nhớ rằng, như đã nói ở trên, các báo cáo chính thức cho đến thời điểm này đều gợi ý rằng không có nguy cơ bị ung thư bởi sân cỏ nhân tạo.

Nhưng từ góc độ quan điểm cá nhân, người viết cho rằng nếu bạn chỉ chơi 1 đến 2 trận mỗi tuần trên sân nhân tạo thì nguy cơ mắc bệnh ung thư không đáng để lo lắng. Và đó cũng là những gì các báo cáo ở trên khuyến nghị. Trong thực tế, việc bỏ chơi bóng có khi còn tác hại nhiều hơn tới sức khỏe của chúng ta do thiếu vận động. 
  
Vì vậy, cho đến khi một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề ngày được công bố, bóng sẽ vẫn lăn trên các sân cỏ nhân tạo.

Một số mẹo phòng tránh khi tiếp xúc hạt cao su (phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh):
+ Rửa tay bằng xà phòng sau mỗi trận đấu để loại bỏ bất kỳ dấu vết của hạt cao su nào mà bạn có thể đã tiếp xúc.
+ Nếu bạn có vết thương hở và chỗ đó đã tiếp xúc với hạt cao su, hãy đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vùng ảnh hưởng bằng oxy già.
+ Giũ sạch những hạt cao su bám trên quần áo, trong giày dép trước khi trở về nhà.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá