Tư vấn giày (Kỳ 1): Phân loại đinh giày phù hợp với từng mặt sân


Tư vấn giày (Kỳ 1): Phân loại đinh giày phù hợp với từng mặt sân

Tin Tức
HIẾN LÊ - Thứ tư, ngày 17-02-2016 - 19:56:39
Bình luận
Trong khi các cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có 2 lựa chọn mặt đế cơ bản là FG (đinh nhựa) và SG (đinh sắt) thì với giới phủi, các cầu thủ lại thường xuyên đau đầu khi lựa chọn loại giày phù hợp với mặt sân.
Với sự chuyển động và sáng tạo không ngừng, các hãng sản xuất đồ thể thao luôn đưa ra những sản phẩm mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Các loại đinh giày cũng không phải ngoại lệ. Xuất phát điểm là những chiếc đinh nhọn hoắt được gắn vào phần đế để hạn chế trơn trượt, các loại đinh giờ được cải tiến rất nhiều. Về cơ bản chúng ta có thể chia làm 6 loại đế bao gồm:

1. FG 

FG là viết tắt của Firm Ground, dành cho các sân cỏ tự nhiên thông thường. Đây là loại đế thường được các cầu thủ V.League sử dụng. Đặc trưng của loại đế này là đinh được làm bằng nhựa tổng hợp để giúp giảm trọng lượng của giày. Các loại đinh của giày FG cũng được chia làm 2 loại nhỏ là đinh tròn và đinh lưỡi.

Một đôi giày đinh tròn điển hình
Một đôi giày đinh tròn điển hình

Đinh tròn thường được sử dụng trong các mẫu giày bằng da thật hoặc da mô phỏng K-Lite (mô phỏng da kangaroo) bởi đặc trưng của những cầu thủ dùng loại giày này là cần có trụ vững. Đây cũng là loại đinh dễ sử dụng ở cỏ nhân tạo Việt Nam do đinh được trải đều khắp mặt giày, dễ trụ. Tuy nhiên nhược điểm là hơi cao, đinh cứng dẫn tới việc bị rộp bàn chân và nặng hơn là tổn thương đầu gối. Nếu đi quen thì đây là một lựa chọn hết sức hợp lý, kể cả với sân cỏ nhân tạo.

Đinh lưỡi có đặc điểm là cao, lưỡi đinh tương đối mỏng dễ gây chấn thương cho cả địch lẫn ta
Đinh lưỡi có đặc điểm là cao, lưỡi đinh tương đối mỏng dễ gây chấn thương cho cả địch lẫn ta trên sân cỏ nhân tạo

Trong khi đó, loại đinh lưỡi lại được áp dụng cho các mẫu giày thiên về tốc độ, có trọng lượng nhẹ hoặc siêu nhẹ (SL) để hỗ trợ khả năng bứt tốc, chuyển hướng của các cầu thủ. Những chiếc đinh được tán dẹt sẽ càng giúp giảm trọng lượng của giày nhưng sẽ dẫn tới đinh có độ giòn cao, gặp những sân cỏ nhân tạo có nền cứng dễ dẫn tới tình trạng gãy đinh, nghiêm trọng hơn là lật cổ chân cho người sử dụng. Do vậy, người dùng chỉ nên chọn mẫu giày này khi thi đấu trên mặt sân cỏ tự nhiên.

2. SG

SG là viết tắt của Soft Ground, dành cho các sân cỏ có độ đàn hồi tốt và thường xuyên được tưới nước như các sân cỏ của châu Âu. Các hãng sử dụng những chiếc đinh kim loại lên giày để giày có thể cắm ngập tối đa xuống bề mặt sân. Ngoài ra, với các cầu thủ chuyên nghiệp, họ còn sử dụng bản nâng cấp là SG-pro, tức là những mẫu SG được bổ sung thêm một số đinh nhựa như FG để cải thiện khả năng bứt tốc, chuyển hướng.

Đinh sắt nhìn qua đã thấy không hợp với giới phủi...
Đinh sắt nhìn qua đã thấy không hợp với giới phủi...

Do đặc điểm của loại giày này là đinh tương đối cao và cứng nên nhìn chung hoàn toàn không phù hợp với dân phủi, vốn thường xuyên thi đấu tại các mặt sân có chất lượng thấp. Không chỉ dễ gây chấn thương mà nếu chẳng may va chạm trên sân, cầu thủ đối phương sẽ dính chấn thương không hề nhẹ. Cứ nhìn Rooney mùa 2012/13 mà xem, chỉ một cái hạ gầm giày của Rodallega thôi là anh đã phải khâu vài mũi rồi. 

Đặc biệt, những cầu thủ có thói quen "tay chân miệng" cần tự giác không xỏ giày này ra sân để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

3. AG

AG, viết tắt của Artificial Grass, là dòng giày được thiết kế chuyên biệt cho các sân cỏ nhân tạo. Điểm nổi bật là đinh giày tròn, được phân bố rất đều khắp mặt đế giúp cầu thủ có thể thoải mái trụ vững trên mặt sân cỏ nhân tạo. Trước kia, đế AG chỉ được áp dụng cho các mẫu giày mid end (trung cấp) và low end (thấp cấp) nhưng giờ đây, các hãng lớn đã triển khai mặt đế AG này cho mọi loại giày top end hay elite (cao cấp).

Đinh AG là một sự lựa chọn phù hợp
Đinh AG là một sự lựa chọn phù hợp

Người dùng hoàn toàn có thể trải nghiệm cảm giác "xỏ giày cùng thần tượng" với những mẫu cao cấp tương tự như của Cavani, Rooney hay Messi, Suarez mà không phải lo ngại đinh cao như các đế FG hay SG. Đế thấp, nhiều đinh, trọng lượng lại nhẹ, AG là mẫu giày lý tưởng cho dân phủi. Mặc dù vậy, một số giải phong trào hiện nay vẫn cấm sử dụng đinh AG, FG, SG. Do đó, trước khi tham dự giải đấu nào, các cầu thủ cũng nên tìm hiểu kỹ về điều lệ giải để tránh cảnh... ngồi ngoài vì chỉ mang mỗi giày đinh AG.

4. HG

So với cả 3 loại đế kể trên, HG là loại đế đặc biệt hơn cả. Viết tắt của Hard Ground (nền cứng), đế HG là dòng đế được "thửa" riêng cho thị trường nội địa Nhật. Ở Nhật Bản, họ không bán hoặc bán rất ít những giày loại FG hoặc AG, thay vào đó là HG. Các sân cỏ tại Nhật có nhiều nét tương đồng với sân cỏ Việt Nam với nền tương đối cứng, cỏ thấp, do đó họ đã sáng tạo ra đế HG để tối ưu hóa hiệu năng tập luyện - thi đấu của các cầu thủ.

Một đôi giày đinh HG có nhiều đặc điểm tương đồng với FG và AG
Một đôi giày đinh HG có nhiều đặc điểm tương đồng với FG và AG

Có thể nói, đế HG chính là đứa con lai của FG và AG. Mọi yếu tố cấu thành nên đôi giày HG đều là trung bình cộng của 2 loại đế FG - AG như chiều dài đinh thấp (AG), thiết kế đế không quá nhiều đinh (FG) nhưng vẫn đảm bảo được khả năng trụ vững trên sân. Do đó, các cầu thủ tại Nhật, từ chuyên nghiệp cho tới bán chuyên, đều rất ưa chuộng loại đế này thay vì các đế FG truyền thống.

Thêm một điểm đặc biệt nữa của đế HG là giá của chúng luôn rẻ hơn tương đối nhiều so với đế FG hay AG. Ví dụ, cùng một mẫu giày cao cấp như của Suarez đang mang sẽ có giá khoảng trên 4,2 triệu VNĐ với đế FG/AG, nhưng với đế HGmức giá bán lẻ tại Nhật chỉ vào khoảng 3,8 triệu VNĐ và luôn có xu hướng giảm giá khá nhanh do đặc trưng của thị trường này. Tuy nhiên, dân phủi Việt Nam lại tỏ ra e dè trước loại đế này, dù rằng đây là loại giày "ngon-bổ-rẻ".

5. TF

Cũng là một loại đế dành riêng cho cỏ nhân tạo, TF (Turf Ground) được nhiều cầu thủ phủi ưa chuộng hơn cả. Thường được biết tới qua cái tên dân dã là "đinh dăm", đế TF được thiết kế với rất nhiều đinh nhỏ, thấp với chất liệu chính là cao su. Điều này giúp cầu thủ tránh những trường hợp lật cổ chân mà vẫn giữ được độ bám sân cần thiết. Những vùng "phanh", "hãm" ở mặt đế cũng đã được các hãng cải thiện rất nhiều để giúp anh em dân phủi thoải mái "rang lạc" trên sân.

Đinh dăm được các phủi thủ ưa chuộng
Đinh dăm được các phủi thủ ưa chuộng

Hiện nay, những đại gia trong giới sản xuất đồ thể thao đều đang rất tập trung mở rộng thị trường giày sân cỏ nhân tạo nên người dùng có thể thoải mái lựa chọn những mẫu giày ở đủ các phân khúc từ cao cấp, trung cấp đến hạ cấp tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu. Thậm chí, một số cầu thủ phủi còn tận dụng luôn giày đá bóng làm... giày đi chơi vì thiết kế quá đẹp. Nhìn chung, các mẫu giày TF rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

6. IC

So với tất cả những loại đế trên thì người Việt Nam biết đến đế IC (Indoor Cleats) sớm nhất. Chẳng phải những đôi giày sang chảnh từ các thương hiệu lớn mà đế IC sớm đã thâm nhập thị trường Việt Nam từ những đôi giày... bata huyền thoại. Đúng vậy, là giày bata đó. Những đôi giày IC, còn được biết tới là "giày đế bệt", là dòng đế được chuyên dùng cho môn futsal. Đặc điểm của đế này là gần như hoàn toàn phẳng, không có những điểm gờ lên như đế TF và nhìn chung là nặng hơn về trọng lượng so với các mẫu giày kể trên.

Có lẽ, không cầu thủ phủi nào lại chưa từng xỏ qua những đôi bata huyền thoại

Và cũng tương tự đế TF, các đôi giày đế IC đang được các hãng chú trọng hơn trong khâu thiết kế để cho ra đời những sản phẩm "ngon-bổ-rẻ" nhất với người dùng. Thậm chí, so với TF, các hãng còn quan tâm đế IC nhiều hơn do đặc thù ở các nước Âu - Mỹ là thi đấu 5-5 trên các sân bê tông, do đó đế IC sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn. 

Ở Việt Nam, ngoại trừ những đôi giày bata huyền thoại thì không nhiều "phủi thủ" thích chọn giày đế IC. Đơn giản là bởi những mẫu giày này có nhược điểm lớn là quá phẳng, do đó diện tích tiếp xúc với sân nhỏ, dẫn tới việc thường xuyên bị trượt ngã. Đặc biệt, sân cỏ nhân tạo Việt Nam lại có nhiều hạt cao su và sỏi nhỏ nên nếu đi giày IC, các cầu thủ sẽ thường xuyên bị nhào lộn như "Thánh Young".

7. Đế lai

Các hãng thể thao đang dần triển khai những loại đế hybrid (lai) giữa các loại đế như đế CG (cage - ám chỉ việc thi đấu trong những chiếc lồng) hay FG/AG đều có thể thi đấu thoải mái trên mặt sân cỏ nhân tạo. Thậm chí, có hãng đã cho ra đời đế TKRZ (tekkerz) siêu dị vừa có thể đá sân cỏ thật, cỏ nhân tạo lẫn... futsal. Tuy nhiên, hiệu quả của dòng đế này vẫn còn cần phải qua nhiều kiểm nghiệm hơn. 

Vừa chơi được cả cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo lẫn cả sân futsal thì cũng không phải dạng vừa đâu
Vừa chơi được cả cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo lẫn cả sân futsal thì cũng không phải dạng vừa đâu

Sau bài viết này, hy vọng các anh em bóng phủi có thể rút ra được những kinh nghiệm quý giá để chọn cho mình loại đế giày hợp lý nhất ra sân chinh chiến mỗi cuối tuần. Và đừng quên quay trở lại Bongdaphui.net để đến với kỳ thứ 2 của loạt bài tư vấn giày. Ở kỳ sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu loại giày nào sẽ phù hợp với phom chân của bạn.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá