Bóng đá học đường nhìn từ Nhật Bản: Xây thành công từ chân đế


Bóng đá học đường nhìn từ Nhật Bản: Xây thành công từ chân đế

Tin Tức
HÀ THANH (TỪ NHẬT BẢN) - Thứ sáu, ngày 21-08-2015 - 10:21:08
Bình luận
Bóng đá Nhật Bản từ hơn 1 thập kỷ nay đã vươn lên hàng số 1 tại châu Á. Nhưng phải chứng kiến cách làm của người Nhật từ cấp nền tảng cơ sở là bóng đá học đường mới hiểu vì sao họ lại có bước tiến thần kỳ tới vậy.

130 NHÀ TÀI TRỢ CHO LỨA … U15

Trong chuyến đi tác nghiệp cùng đội U13 bóng đá học đường Yamaha 2015 tới Nhật Bản, người viết có dịp đến thăm CLB Azulclaro. Đây là một CLB chuyên về đào tạo trẻ, đặc biệt là bóng đá học đường. Theo tìm hiểu, CLB được thành lập từ năm 1999 này đang có tới hơn 2500 học viên tập luyện ở các chi nhánh trên khắp nước Nhật. Thành tựu đáng kể nhất của Azulclaro là từng đào tạo ra 24 tuyển thủ quốc gia Nhật Bản qua các thời kỳ. 

Nhưng đấy chưa phải là con số ấn tượng nhất. Người viết đã không tin nổi vào điều mình nghe từ ông chủ tịch CLB Yamamoto. Đó là hiện tại lứa U13 của CLB được bảo trợ bởi 80 công ty còn với lứa U15, con số này lên tới 130. Phần lớn là các công ty địa phương, và sự hỗ trợ có thể theo từng quý, từng năm. 

Tất nhiên, khoản bỏ ra của mỗi doanh nghiệp không quá lớn nhưng chỉ riêng việc “gọi” được từng ấy nhà đầu tư cho một CLB bóng đá học đường đã rất đáng ghi nhận. Và điều ấy cũng lý giải vì sao mà một CLB không phải chuyên nghiệp như Azulclaro song cũng có cơ sở vật chất đáng nể với SVĐ có đủ cả dàn đèn lẫn đồng hồ điện tử báo tỷ số. Tất cả đã cho thấy công tác xã hội hóa mang lại nguồn thu đáng kể cho bóng đá Nhật Bản.


NHƯNG THÀNH CÔNG KHÔNG CHỈ VÌ … TIỀN

Đến sân tập của Azulclaro, thấy những biển quảng cáo được treo quanh sân sẽ rất dễ nghĩ rằng đây phải là sân của một CLB chuyên nghiệp. Nhưng tiền tuy quan trọng song không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Nhật Bản thành công.

Nếu như những năm 2000, người Nhật chỉ phát triển bóng đá học đường từ lứa U12 thì nay, các lứa tuổi trải dài từ U6, U8, U10 cho đến U15. Các lứa tuổi khác nhau thì có chế độ tập luyện khác nhau. Ví dụ: lứa U10 tập 2 buổi/tuần, lứa U12 tập 3 buổi/tuần. Tập nhiều nhất là 5 buổi/tuần, với những học sinh đặc biệt yêu thích bóng đá và có thiên hướng phát triển chuyên nghiệp. Đặc biệt, theo ông Yamamoto, người Nhật làm bóng đá rất tỷ mỷ. Các thầy giáo thể dục trong trường học phải là những HLV có chuyên môn, có khả năng phát hiện và định hướng cho học sinh – cầu thủ tương lai của mình. Và sự phát hiện này cần phải bắt đầu ngay từ năm 6-8 tuổi bởi đó là lứa tuổi đặc biệt quan trọng.

Điều cũng rất thú vị trong cách đào tạo của người Nhật là tư duy khác biệt. Để các cầu thủ - học sinh không chỉ biết đá bóng, họ cho chính các em mỗi khi không vào sân (ngồi dự bị chẳng hạn) thì phải ra... cầm cờ, làm trọng tài biên, qua đó buộc các em phải hiểu luật cũng như các dạng tình huống trên sân. Hay họ cũng cho cầu thủ nữ đá cùng đội nam, qua đó buộc các bạn nữ phải nỗ lực nhiều hơn nhưng nhờ thế cũng tự tin hơn. Đó có lẽ cũng là một lý do khiến bóng đá nữ Nhật Bản bây giờ đã vươn lên tầm thế giới. 

Còn nhiều những chi tiết nữa dù nhỏ nhưng đều phần nào đó đóng góp vào sự thành công của bóng đá học đường tại Nhật Bản, qua đó tạo nên chân đế vững chắc cho sự phát triển của bóng đá nơi đây. 
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá