Bóng đá sân 7: Vận hành lối chơi với sơ đồ 2-3-1


Bóng đá sân 7: Vận hành lối chơi với sơ đồ 2-3-1

Chiến thuật sân phủi
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Chủ nhật, ngày 30-07-2017 - 15:40:53
Bình luận
2-3-1 không phải là sơ đồ phổ biến với các đội bóng sân 7 tại Việt Nam, tuy nhiên đây là một sơ đồ khá cân bằng và phù hợp với những đội thích phong cách tấn công, kiểm soát bóng.

>> Xây dựng đội bóng sân 7 với sơ đồ 2-3-1

Trước tiên, để xây dựng một đội bóng mạnh trên sân 7, các đội bóng nên chú trọng phát triển các đặc điểm sau:

+ Tự tin: Được hình thành từ những cầu thủ có niềm tin vào bản thân. Sự tự tin này có thể tạo dựng thông qua việc tập luyện chăm chỉ, kiên trì, sự gắn kết giữa các đồng đội và từ môi trường tích cực mà lãnh đội tạo ra.

+ Học hỏi: Các cầu thủ cần liên tục trau dồi, rút ra kinh nghiệm trong quá trình luyện tập và thi đấu thực tế để cải thiện khả năng của bản thân.

+ Nhận thức: Sự đánh giá, quan sát để đưa ra quyết định đúng đắn đối với mỗi tình huống khác nhau. Chơi bóng với sự tinh tế và sáng tạo.

+ Tổ chức tấn công: Triển khai các pha bóng từ phần sân nhà lên phía trên thay vì chỉ chạy và sút.

+ Tổ chức phòng ngự: Hiểu cách thức và thời điểm gây áp lực để giành lại quyền kiểm soát bóng.

+ Ý thức bản thân: Các cầu thủ cần phải biết chăm sóc cơ thể của mình để luôn đạt trạng thái tốt nhất khi ra sân, có ý thức trách nhiệm với tập thể và luôn luôn tôn trọng luật chơi.

1. Sơ đồ 2-3-1


Sơ đồ 2-3-1 sẽ có 2 trung vệ (số 4 & 5) và 1 tiền vệ trung tâm (số 6). 2 cầu thủ chạy cánh (số 2 & 3) rất quan trọng với sơ đồ này bởi họ vừa phải hoạt động như một hậu vệ biên, vừa phải tấn công như tiền đạo cánh nhằm duy trì sự cân bằng cho lối chơi của đội. Trung phong (số 9) sẽ là cầu thủ kết thúc những pha tấn công, nhưng đồng thời cũng là người kết nối với các cầu thủ chạy cánh để tạo ra mặt trận tấn công 3 người.

2. Phân tán để tạo không gian khi thủ môn giữ bóng

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Khi thủ môn đội nhà có bóng trong chân, các cầu thủ phía trên phải phân tán để tạo khoảng trống nhận bóng.

Sơ đồ  này thể hiện vị trí của các cầu thủ sau khi phân tán.

Điều quan trọng cần lưu ý là số 2 & 3 phải đứng vị trí rộng hơn số 4 & 5 để tạo thêm một góc chuyền bóng cho thủ môn. Họ phải duy trì vị trí cao hơn trong khi vẫn kết nối với số 4 & 5.

Số 6 cần chọn thời điểm thích hợp di chuyển ở trung lộ và liên tục quan sát để nhận thức tình hình xung quanh.

Số 9 di chuyển sang hai bên trái, phải tuỳ thuộc việc bóng được triển khai lên từ cánh bên nào.

3. Đường chuyền


Biểu đồ này thể hiện rất nhiều tam giác chuyền bóng và sự kết hợp được tạo ra khi việc phân tán đội hình được thực hiện.

4. Bóng qua chân số 6


Khi số 4 & 5 đang bị áp sát bởi đối phương, số 6 cần phải di chuyển vào không gian trống trải được tạo ra nhờ việc hai trung vệ tách rộng sang hai biên.

Số 6 cần di chuyển vào không gian này với thời gian chính xác và tư thế nhận bóng thuận lợi sao cho có thể thực hiện một đường chuyền nhanh nhất lên phía trên.

Ở vị trí này, số 6 có rất nhiều giải pháp chuyền bóng nhưng cần quan sát tình huống trước khi nhận bóng, tránh bị mất bóng ở khu vực trung lộ sẽ rất dễ dẫn đến bàn thua.

5. Các lựa chọn chuyền bóng cho số 6


Khi số 4 & 5 di chuyển rộng sang hai biên để lôi kéo cầu thủ đối phương, thủ môn có thể đưa bóng vào trung lộ cho số 6 nếu nhận thấy không có nhiều áp lực.

Biểu đồ này cho thấy các lựa chọn chuyền bóng mà số 6 có thể thực hiện khi bóng đến chân.

Mũi tên vàng thể hiện đường chuyền chọc khe hiệu quả nhất, đó là đưa bóng ra phía sau hàng thủ đối phương cho tiền đạo hoặc cầu thủ chạy cánh băng lên chiếm khoảng trống.

Các mũi tên màu cam hiển thị đường chuyền hướng lên trực tiếp đến chân đồng đội.

Các mũi tên đỏ biểu hiện cho đường chuyền về để duy trì sự kiểm soát bóng.

6. Bóng qua chân số 6


Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Biểu đồ này cho thấy đối phương gây áp lực lên số 4 và bỏ trống khu vực trung lộ, nghĩa là số 6 có thể di chuyển ở đây để nhận bóng.

Việc chọn vị trí ban đầu khá cao, sau đó di chuyển ngược trở về nhận bóng là chìa khoá để số 6 ít chịu áp lực nhất có thể. Nếu ngay từ đầu số 6 đã đứng thấp, anh ta sẽ dễ bị kèm sát và mất đi các phương án chuyền bóng.

Do nhận đường chuyền thẳng từ thủ môn, số 6 cần phải bao quát tình hình và nhận thức được áp lực đến từ đâu để xử lý (chạm bóng bước một) sao cho hợp lý nhất, cho phép có thể chuyền đi ngay lập tức.

7. Bóng qua chân số 6

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Trong hệ thống cách chơi này, số 6 không chỉ tham gia phòng thủ mà còn tiến lên phía trước hỗ trợ tấn công.

Ở tình huống ví dụ này, số 6 chuyền bóng ra biên cho số 2, sau đó lập tức di theo để tiếp tục hỗ trợ cho đồng đội.

Điều này cho phép số 9 & 3 đẩy lên cùng tham gia cuộc tấn công.

8. Bóng qua chân số 6

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Kịch bản này cho thấy số 6 chuyền bóng cho số 2 ở biên. Số 2 cầm bóng đi chéo vào trung lộ tạo không gian rộng cho số 6 di chéo ra biên để tham gia vào cuộc tấn công, tạo ra một tam giác tuỳ chọn giữa số 2, 6 và 9.

Cùng lúc, số 3 sẽ di chuyển từ biên đối diện vào trung lộ để lấp khoảng trống số 6 để lại, đề phòng một pha phản công tốc độ từ đối phương.

9. Bóng qua chân số 6

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Sự xâm nhập không chỉ đến từ những đường chuyền, cầm bóng đột phá vào khoảng trống cũng là một cách khác để xâm nhập tuyến phòng ngự đối phương.

Ở trường hợp này, số 6 tự tin cầm bóng dâng cao ở khu vực ⅓ giữa sân, cho phép các cầu thủ đá biên và số 9 cùng dâng lên tham gia vào cuộc tấn công.

10. Phối hợp lên bóng

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Tình huống lý tưởng là cầu thủ chạy cánh của chúng ta vượt qua hàng tiền vệ của đối phương để nhận bóng. Chuyện này không phải lúc nào cũng thành công và các cầu thủ sẽ phải phối hợp cùng nhau để vượt qua sự truy cản.

Trong ví dụ này, số 2 nhận bóng ở biên và cần sự hỗ trợ từ số 6 để thoát khỏi sự đeo bám.

Khi bóng đến chân số 2, số 6 di chuyển lại gần để cung cấp một lựa chọn chuyền bóng. Số 2 có thể bật tường tam giác với số 6 để đánh bại đối thủ đang gây áp lực.

11. Phối hợp lên bóng

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Trong ví dụ này, số 2 nhận bóng và cũng cần tới sự hỗ trợ của số 6 để thoát tình huống pressing của đối thủ. Số 6 di chuyển lại gần nhận bóng nhưng thay vì bật tường trở lại cho số 2 băng lên, anh ta có thêm giải pháp chuyền cho số 9 trước khi số 9 trả lại số 2, người đã leo biên để tận dụng khoảng trống phía trước mặt.

12. Phối hợp lên bóng

Mũi tên xanh là cầu thủ di chuyển không bóng; Mũi tên đỏ là cầu thủ di chuyển với bóng; Mũi tên vàng là đường chuyền

Mục đích cũng giống 2 ví dụ kể trên, nhưng lần này sau khi bóng đến chân số 9, anh ta sẽ chuyền sang cánh đối diện nơi số 3 đã dâng lên hỗ trợ, tạo thành pha chuyển hướng tấn công rất nhanh có thể khiến đối thủ bất ngờ.

Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá