Trong những ngày Hè đỏ lửa, rất nhiều Trung tâm bóng đá cộng đồng ở nhiều địa phương đã ra đời. Mỗi nơi một cách làm đa sắc màu nhưng tựu trung lại cũng hướng đến cái đích cuối cùng đó là tạo sân chơi cho các em nhỏ, sau quãng thời gian dài học tập trên ghế nhà trường.
“Thật ra từ cách đây 2-3 năm, tôi đã có ý tưởng sẽ mở Trung tâm bóng đá cộng đồng để làm điểm đến cho các em nhỏ. Nhưng ý tưởng là một chuyện, kế hoạch phải cụ thể, thiết thực với các em nhỏ bởi bây giờ các em ra sân bóng không chỉ là đá quả bóng mà phải tạo nhiều bài tập xen lẫn trò chơi và các uốn nắn các em về định hình tính cách để khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần”, cựu cầu thủ Thể Công Trịnh Quốc Long chia sẻ.
Ấp ủ suốt một thời gian dài rồi sau đó bàn thảo không dưới 10 lần mới ra được định hướng mới về cách huấn luyện các em nhỏ theo tiêu chí “bóng đá không chỉ là đá bóng”, Quốc Long những người bạn trong CLB bóng đá phong trào G8 Omely đã vạch ra được con đường đi của riêng mình. “Tôi cũng là ông bố 2 con, hằng ngày tiếp xúc với trẻ nhỏ nên hiểu được tâm tính, thói quen của tụi nhỏ nên từ cơ sở đó, tôi cùng các bạn của mình xây dựng giáo án tập luyện và cách trao đổi với em nhỏ để làm sao, cứ đến cuối tuần tất cả cùng hào hứng ra sân.
Việc uốn nắn các em nhỏ không hề đơn giản bởi Trung tâm của chúng tôi không chỉ dậy đá bóng mà còn dậy cách để các em cùng sẻ chia, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Có như vậy mới tạo nên sự khác biệt và là địa chỉ tin cậy cho các phụ huynh gửi con em mình đến học”, Quốc Long hồ hởi nói về định hướng phát triển của Trung tâm.
Cùng lên ý tưởng, xây dựng và triển khai, Quốc Long đã cùng rất nhiều thành viên G8 Omely triển khai khối lượng công việc đồ xộ và đợt giữa tháng 6 vừa qua, Trung tâm bóng đá cộng đồng G8 Omely ra đời, trở thành điểm đến thường xuyên của các em nhỏ đam mê bóng đá ở khu vực Thành phố Thanh Hoá.
Không chỉ tạo ra hướng đi mới, cách làm hay về phương pháp huấn luyện, Trung tâm G8 Omely cũng sở hữu đội ngũ làm thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà nghiệp vụ sư phạm, biết truyền tải, uốn nắn tính cách của các em nhỏ. Đó cũng là lý do mà khi hình thành, trung tâm đã cho ra mắt đội ngũ coach “cực xịn” với Công Huy, Việt Phúc, Tiến Thuận, Hữu Thắng, Hoàng Minh, Minh Nam cùng nhiều cựu cầu thủ chuyên nghiệp. Thời đỉnh cao, Công Huy vẫn được các đồng đội đánh giá là cầu thủ cầu tiến, luôn nỗ lực và từ gương mặt còn khá trẻ đã khoác áo mọi cấp độ Đội tuyển Quốc gia.
Tính cách của Công Huy, một cựu cầu thủ sinh ra trong gia đình khá giả nhưng luôn nỗ lực để phát triển sự nghiệp chứ không ỷ lại và đặc biệt sự sẻ chia, giúp đỡ, sát cánh những người bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đã là giai thoại khó quên của đời sống bóng đá Việt Nam những năm trước đây. Hay như Việt Phúc, cầu thủ duy nhất của bóng đá phủi Thanh Hoá 2 lần vô địch giải đấu danh giá HPL trong 2 màu áo khác nhau năm nay đã 37 tuổi vẫn duy trì phong cách sống chuẩn mực, tập thể thao đều đặn và nói không với thức uống có cồn được xem là hình mẫu của người đàn ông trong cuộc sống hiện đại. Nhìn qua danh sách, đội ngũ coach ở trung tâm có sự đan xen giữa những thầy có chuyên môn và “chuyên gia tâm lý” để hướng các em nhỏ đến cuộc sống chân thiện mỹ.
Từ khi khai trương với chỉ vài chục em nhỏ, đến nay Trung tâm đã có 130 học viên và không chỉ 1 cơ sở ở sân VietKid mà đã có cơ sở 2 ở sân Hồ Đồng Chiệc. Điều đặc biệt của trung tâm đó là không chỉ dậy 3 tháng Hè mà sẽ duy trì dậy quanh năm và tới đây sẽ mở một số chia nhánh ở các huyện nhằm đưa bóng đá cộng đồng đến sâu rộng từng miền quê. Phát triển nóng nhưng trung tâm vẫn duy trì sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó là không chỉ dậy bóng đá mà còn uốn nắn nhân cách, sự yêu thưởng, sẻ chia của các em nhỏ.
“Ở nhà các em nhỏ đều là cành vàng lá ngọc, được bố mẹ yêu quý nhưng một điều rất ngạc nhiên khi ra sân các em rất hoà đồng với nhau cùng giúp đỡ, đoàn kết chứ không phải chuyện công chúa, hoàng tử rồi nảy sinh khoảng cách. Chúng tôi rất mừng là đã kết nối các em, tạo nên bầu không khí sôi động, yêu thương, chan hoà lẫn nhau. Bóng đá là môn năng khiếu, có bạn đá giỏi, nhưng có bạn chưa đá hay nhưng các thầy đã biết cách để các em có sự tự tin khi chơi bóng ở một tập thể”, Công Huy cho biết.
Có lẽ những năm tháng chơi bóng đỉnh cao, trải qua nhiều môi trường, có đội mạnh, đội yếu, Công Huy cùng các thầy ở trung tâm G8 Omely đã đúc kết ra quy luật sống để cùng uốn nắn và hình thành nhân cách cho các em nhỏ yêu mến đá bóng. Những ngày này, khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương và dù ở Thanh Hoá chưa ghi nhận ca dương tính nào nhưng để phòng ngừa trung tâm G8 Omely đã quyết định cho các em nhỏ dừng tập luyện. “Tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường và chúng tôi không thể vì lợi ích trước mắt mà có thể làm nguy hại đến sức khoẻ các em nhỏ.
Nhiều phụ huynh có gọi điện sao lại cho dừng tập luyện thế, các em nhỏ đang háo hức lắm. Nhưng chúng tôi phải thú thật rằng khi dịch tái bùng phát, ai cũng cần có ý thức để chống dịch, không thể mạo hiểm. Bóng đá không tập tuần này thì để sau này. Vui chơi, tập luyện nhưng phải trong khuôn khổ và rất mong các phụ huynh cùng chia sẻ. Chúng tôi sẽ đảm bảo mọi quyền lợi, số buổi tập vẫn được bảo lưu cho các em”, Quốc Long cho biết sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát.
Bóng đá nhân văn đôi khi chỉ từ những chuyện nhỏ như thế!