Hương Sơn, đất & người
Hương Sơn trong từ điển Hán Việt có nghĩa là “núi thơm” hay người ta vẫn gọi với một cái tên khác là “làng trong núi”. Theo các nhà địa phương học thì tên huyện Hương Sơn mới có từ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469). Bấy giờ, Hương Sơn (bao gồm cả Hương Khê và một số xã ở Đức Thọ ngày nay) là một trong 6 huyện thuộc phủ Đức Quang Thừa, tuyên Nghệ An, gồm 10 tổng, 57 xã, thôn. Hoàng đế Đại việt thật khéo khi đặt cái tên vùng đất này bởi nó phù hợp với địa hình đồi núi chiếm hơn 80% diện tích.
Hương đất và khí trời Hương Sơn đã hội tụ thành “nguyên khí”, sinh ra rất nhiều nhân kiệt, những danh nhân ưu tú, không chỉ là niềm tự hào địa phương, của tỉnh Hà Tĩnh và còn cả dải đất hình chữ S. Trời phú cho Hương Sơn rất nhiều sản vật nổi tiếng. Đến Hương Sơn mà không mua Cam bù, cu đơ và nhung hươu làm quà thì coi như bạn chưa đến Hương Sơn. Tại sao vậy? Vì đó chính là những thứ quà có “1-0-2” của địa phương này. Cam bù nổi tiếng với đặc trưng tép to, bóng, mềm, mọng nước, ăn rất thơm, ngọt, mát và bổ. Nhung hươu được người dân nơi đây ví như thứ “lộc trời” bởi chỉ có vùng đất này mới có thể sản xuất ra những sản phẩm quý hiếm, hảo hạng như vậy.
Và đặc biệt, bạn phải “săn” bằng được mấy tấm cu đơ vì Hương Sơn chính là nơi sinh ra "Ông tổ" của món kẹo lạc nức danh đất Việt này. Đến đây phải kể lại chuyện Cu đơ khi không phải ai cũng biết được xuất xứ của loại kẹo này. Cha đẻ của Cu Đơ có trên là Cu Hai. Do thấy buôn bán khổ cực nên ông lui về làm nghề nấu kẹo lạc. Thứ kẹo của ông Cu Hai nấu ra khác biệt. Kẹo không quá mềm, không cứng, có mùi thơm, béo ngậy của mật mía, lạc được lót bằng thứ lá chuối (bây giờ được biến tấu thành bánh đa). Ăn miếng kẹo Cu Đơ mà uống thêm đọi nác (bát nước) chè xanh thì cứ gọi là ngon… nhức răng, y bài. Bởivậy mới có thơ rằng: “Chè xanh thêm chút gừng cay. Cu đơ thơm ngọt làm say lòng người”.
Ngày trước thứ kẹo lạc này chưa có tên là Cu Đơ mà nó cũng chỉ là món kẹo lạc bình dân mà thôi. Chuyện là sau khi ăn nên làm ra, ông Cu Hai được bạn bè, khách hàng mắng vốn vì tăng giá. Những người bạn của ông kể rằng, một số vị khách đã mượn từ “Deux” (có nghĩa là Hai) trong tiếng Pháp để chơi chữ thành… CU DEUX (Cu đơ). Cái tên Cu Đơ sau này gắn liền và bị “chết tên” nên gia chủ lấy luôn làm thương hiệu. Vùng Thịnh Văn (Sơn Thịnh) nơi ông Cu Hai phát nghề dần mai một. Tìm kẹo Cu Đơ ở Hương Sơn không khó nhưng đôi khi bao bì lại có dòng chữ “made in Cầu Phủ” hay “Made by Thư -Viện”, “Made by Phong Nga" vì các lò sản xuất giờ đã “đóng đô” ở Cẩm Xuyên hay TP. Hà Tĩnh.
Mâm cao, cỗ đầy chỉ còn chờ nổ Champagne
Dài dòng một chút để nói về Hương Sơn vùng đấy địa linh nhân kiệt và sắp tới đây sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử khi kỷ niệm 550 ngày thành lập (1569-2019). Những ngày này ở địa phương và cả những người con Hương Sơn xa quê đang háo hức, rạo rực đón chờ sự kiện trọng đại ngày thành lập huyện. Nằm trong chuỗi sự kiện đó, Hội đồng hương Hương Sơn tổ chức giải bóng đá cho những người con đang sinh sống, học tập và làm việc ở khu vực phía Nam.
Ở tuổi lên 7, Hương Sơn được xem là một giải đấu uy tín bởi công tác tổ chức đạt đến độ hoàn hảo. Vượt lên tất cả, ngoài bóng đá, sân chơi này giống như sợi dây kết nối những người con xứ Núi thơm đến với nhau. Ở đó không chỉ là tình đồng hương mà còn là vòng tay bằng hữu và cả những con đường hướng thiện vì những chương trình thiện nguyện có sự chung tay của các doanh nghiệp, công ty, các các cá nhân.. vô cùng cao cả.
Giải Hương Sơn khu vực phía Nam đúng là giống như thứ mâm cao cỗ đầy, chỉ còn chờ nổ Champagne nữa là khai tiệc trên sân bóng đá Linh Xuân số 5/33/55 đường số 8(P.Linh Xuân, quận Thủ Đức). Như đã nói, người Hương Sơn đã chở cả Núi thơm, cam bù và cả lộc trời đến với Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Vậy thì chẳng có lý do gì để không đến sân và thưởng lãm những “đặc sản ấy” bởi như ai đó đã viết rằng: “Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn. Mà nghĩa tình càng sâu nặng, con cá Mát với bát chè xanh”.