Giải pháp nâng cao sức đề kháng chấn thương của cơ thể


Giải pháp nâng cao sức đề kháng chấn thương của cơ thể

Tin Tức
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Thứ sáu, ngày 10-02-2017 - 17:20:03
Bình luận
Bongdaphui.net từng đề cập 5 cách để giảm thiểu nguy cơ chấn thương khi chơi bóng. Một trong những phương pháp đó là tập luyện thường xuyên để nâng cao sức chịu đựng của cơ thể. Ở bài viết này, chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu cách thức tập luyện thế nào cho hiệu quả và lợi ích mang lại.

Các bài tập thể dục nâng cao khả năng của cơ thể để phòng tránh chấn thương gồm có 3 thành phần chính:

1. Chú trọng vào cốt lõi

Điểm cốt lõi ở đây chính là những phần cơ thể mà bạn mong muốn càng mạnh mẽ và vững chắc càng tốt. Bởi nó có liên quan chặt chẽ tới các bộ phận còn lại trên cơ thể, là nền tảng cho hầu hết các chức năng vận động lúc chơi bóng. Các cốt lõi này bao gồm các cơ bắp của thân (như cơ duỗi ở bụng, lưng) và các khu vực vùng hông.

Nhờ có khoa học thể thao, ngày nay nhiều người đã chú ý đến tầm quan trọng của các khu vực hạt nhân, nơi đóng vai trò như đầu mối điều khiển sự vận động chung của toàn bộ cử động khi chơi bóng. Là những người chơi bóng đá phong trào, hầu hết chúng ta đã bỏ qua mất điều này. Chúng ta không đủ hiểu biết để nhận ra đó là sức mạnh cốt lõi, là khởi nguyên của những động tác chơi bóng và sẽ giúp bảo vệ chống lại chấn thương.


2. Kiểm soát thần kinh - cơ và cân bằng

Kiểm soát thần kinh - cơ liên quan đến cách mà bộ não của chúng ta kiểm soát các chuyển động của cơ bắp và gân đối với từng hoạt động khác nhau. Trong một trận đấu căng thẳng, bộ não, một cách vô thức, điều khiển nhiều cử động khác nhau của cơ thể khi chúng ta tập trung vào phản ứng với những hoạt động đang diễn ra xung quanh, được hiểu là đầu vào của thần kinh – cơ.

Một số anh em may mắn được ông trời ban cho hệ thần kinh - cơ hoàn hảo để chơi thể thao, nhưng đối với phần còn lại thì những động tác như chạy, nhảy, xoay v.v… chỉ đơn giản là một nguy cơ dẫn tới chấn thương – ví dụ do đầu gối thiếu linh hoạt khi thực hiện một bước nhảy.

Về lý thuyết, chúng ta kiểm soát thần kinh – cơ bằng cách tập luyện như thế nào để đầu gối và mắt cá chân phối hợp ăn ý khi cùng nhau hoạt động, đặc biệt là khi nhảy, đáp, xoay. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng thần kinh – cơ đang cung cấp sự ổn định thích hợp để các bộ phận quan trọng tránh chấn thương.

3. Plyometric và sự nhanh nhẹn

Plymetrics một loại hình tập luyện thể dục, được thiết kế để tạo ra những động tác nhanh, mạnh và cải thiện các chức năng của hệ thần kinh thông qua các pha co cơ bắp mạnh mẽ (sốc cơ), thường dùng cho mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động trong một môn thể thao cụ thể, trong đó có bóng đá.


Plyometric vẻ phức tạp khi được mô tả bằng những thuật ngữ khoa học, nhưng thực ra khá đơn giản. Một pha duỗi cơ là khi cơ bắp của chúng ta bị kéo căng. Thường chúng ta có thể cảm nhận cơ bắp bị căng lên khi xuống cầu thang, chạy xuống dốc hay hạ tạ. Một pha co cơ là ngược lại của duỗi cơ, đó là khi cơ bắp rút ngắn lại để kéo một trọng lượng nào đấy, ví dụ như bước đi lên cầu thang, nâng tạ…

Bản chất của plyometric là kết hợp hai chu kỳ cơ này trong một bài tập để cộng hưởng sức mạnh mỗi pha co-duỗi cơ tạo ra. Bằng cách này, các cầu thủ có thể tăng cường và cải thiện các nhóm cơ cần sử dụng để tạo ra một sức mạnh vượt trội. Phương pháp này thực sự rất hiệu quả và hiện đang được áp dụng rộng rãi trong đào tạo vận động viên, nhất là cho những động tác như chạy nước rút và nhảy.

Một trong những bài tập plyometric phổ biến nhất là bạn đứng trên một độ cao vừa phải, nhảy xuống để tạo ra một pha duỗi cơ. Pha duỗi cơ này nhằm “lấy đà” cho các cơ bắp chuyển sang pha co cơ nhanh chóng đạt được một lực mạnh mẽ, qua đó giúp cú bật lên đạt độ cao lớn hơn nhiều. Hãy tưởng tượng đến việc chúng ta kéo dãn hai đầu của chiếc lò xo bút bi, sau đó nén lại thì khi bung ra lực sẽ mạnh hơn hẳn nếu cứ để tự nhiên rồi nén vào.

Khi kết hợp phương pháp plyometric vào các bài tập cho người chơi bóng, chúng ta có thể thực hiện theo hướng dẫn như ở clip bên dưới đây. Những bài tập này giúp cho các cầu thủ gia tăng sức bật nhảy hoặc bứt tốc nhanh hơn.


Thông qua plyometric, chúng ta có thể tập luyện cho các phần cơ bắp thích hợp, gân và dây chằng để đề kháng trước các nguy cơ xảy ra chấn thương do chơi bóng. Đặc biệt, đây là phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa chấn thương đứt dây chằng đầu gối và mắt cá chân.

Chúc anh em tập luyện và đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá