BIDV Quang Trung – Sao và những sai sót chiến thuật
Cả 2 đội đều có 2 sự thay đổi trong đội hình xuất phát nhưng phía BIDV Quang Trung xáo trộn lớn ở trục dọc khi cho Thế Dương – cầu thủ đang thuộc biên chế câu lạc bộ Phú Thọ đá trung vệ và đẩy Phong “sport” lên chơi tiền vệ. Ở hàng công, điểm bất ngờ chính là việc tiền đạo đã chơi rất ấn tượng ở trận Tứ kết là Hồ Ngọc Thắng không góp mặt mà thay vào đó là Long “lác”.
Bên kia chiến tuyến, Sao có sự quay trở lại Nghị “ngựa” ở hành lang phải. Trên hàng tấn công, Tuấn “cò” được xếp đá cao nhất thay cho “lão tướng” Ngọc Bính đang phải điều trị F0. Nhìn chung, Sao có 2 vị trí thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên về chiến thuật và lối chơi. BIDV Quang Trung lại có sự thay đổi khá lớn về lối chơi vì Long “lác” không phải là mẫu tiền đạo mục tiêu như Hồ Ngọc Thắng trong khi đó, Phong “sport” bị đẩy lên đá giữa và có phần bị ngợp.
Ở trận Tứ kết, 2 cánh của “đội bóng nhà băng” là Tuấn “Đồng Tâm” và đội trưởng Dũng “vàng” đều chơi tốt, tích cực lên tham gia tấn công. Đôi cánh Tuấn – Dũng sử hữu những cú sút xa tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm trong đó có tình huống dẫn đến bàn thắng mở tỷ số khi Dũng “vàng” dứt điểm cột 2 để Tuấn “Bờm” đánh đầu cận thành đánh bại thủ môn Tuyền “vữa”.
Không có tiền đạo mục tiêu nên BIDV Quang Trung không có những phương án tấn công đa dạng như ở Tứ kết. Các cầu thủ Sao bị “choáng” những phút đầu trước sức ép của đối thủ nhưng sau đó đã dần lấy lại thế trận. Điểm sáng của Sao ở trận này là Xuân Kiên, hậu vệ cánh trái chơi rất ấn tượng với nhiều lần gây nguy hiểm cho khung thành của thủ môn Nhật “De Gea”. Cũng chính Kiên là người góp công lớn giúp Sao khuân bình tỉ số.
Khi Sao lấy lại được thế trận thì bên phía BIDV Quang Trung bắt đầu lộ ra những điểm yếu ở hàng phòng ngự. Thể hình hạn chế và cũng chưa quen với mặt sân 7 nên Thế Dương tỏ ra khá lúng túng, bàn thua đầu có một phần lỗi của hậu vệ mang áo số 3 khi không chỉ huy và bọc lót cột hai tốt, trong một vài tình huống khác, hậu vệ đang chơi cho Phú Thọ cũng bị các cầu thủ Sao vượt qua gây nguy hiểm cho khung thành của thủ môn Nhật “de Gea”.
Chiếc thẻ đỏ của Phong “sport” thực sự là bước ngoặt của trận đấu. Chơi hơn người trong khoảng thời gian dài nên điều gì đến cũng phải đến, Sao có bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1, khi đến lượt Tuấn “cò” trả lễ cho Quân “con”. Điều đáng nói trong tình huống nâng tỷ số lên 2-1 của Sao là thêm một lần nữa, Thế Dương bị vượt qua và 4 cầu thủ phòng ngự của BIDV đã không thể hóa giải sự nguy hiểm của 2 cầu thủ bên phía Sao và để đối thủ ghi bàn.
Tuy thắng nhưng Sao cũng phải cải thiện nhiều về thể lực nếu muốn có những kết quả tốt tại giải hạng Nhất sắp tới, khi hiệp 2 họ đã xuống sức, tỏ ra lúng túng trong những phút cuối dù chơi hơn người và suýt phải trả giá đắt, nếu may mắn không mỉm cười.
Đại Từ - Anh Pháp: Đồng cân, đồng lạng
Đại Từ và Anh Pháp là 2 “làn gió mới” của sân 7 miền Bắc. Đây là 2 CLB lần đầu tham dự các giải trong hệ thống VietFootball. Tuy có cách làm và hướng đi hơi khác nhau nhưng đều là những CLB có tiềm năng lớn và có tổ chức tốt.
Đại Từ chủ trương xây dựng đội hình dựa trên những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm chinh chiến như “tổ Khánh Hòa” gồm Quân “Eto”, Hà “Toro”, Thống “Pành”, Thiện “nhỏ”, cặp anh em người Nghệ An là Hùng “con” - Hoàn “mậm”, cựu binh Gia Việt - Tuyên “tung tăng” và mới đây là sự bổ sung cựu cầu thủ Ecopark - Sinh “dù” cùng 2 cầu thủ chuyên nghiệp đang khoác áo Phù Đổng là Tiến “Di Maria” và Khổng Minh Gia Bảo… Điều này phần nào nói lên sự đầu tư bài bản cũng như hướng đi của Đại Từ. Có thể nói đây là đội có sự hội tụ của các ngôi sao, ngay cả các cầu thủ dự bị cũng có chất lượng rất tốt.
Anh Pháp chủ trương xây dựng theo mô hình chuyên nghiệp, mang đậm chất Nghệ, dưới sự dẫn dắt của HLV Quang Tình thì phần lớn trong đội hình là những cái tên còn rất trẻ, thậm chí nhiều người còn mới tinh đối với cả những người hâm mộ của bóng đá phong trào xứ Nghệ. Chủ tịch của Anh Pháp – bầu Hùng “mốc” cho biết họ sẽ cố gắng chơi tốt nhưng là từ dưới đi lên, tiến dần từng bước một cách bài bản nhất. Có thể nói rằng, Anh Pháp là một tập thể giàu sức trẻ, xự khao khát và đầy chất Nghệ.
Chính vì các lý do trên mà các cựu binh của Đại Từ đã gặp rất nhiều khó khăn trước các “măng non” bên phía Anh Pháp. Tuy được đánh giá cao hơn nhưng trong cả trận, kinh nghiệm của các cầu thủ Đại Từ không quá lấn lướt được sức trẻ của đối phương. Đại Từ đãnh giành được chiến thắng với một chút may mắn khi Trọng Khởi bên phía Anh Pháp phản lưới nhà ở những phút cuối, trong một tình huống rất bóng đá.
Một điểm đáng chú ý trong trận Bán kết 2 này chính là những bàn đến từ những pha bóng cố định. Không những thế còn rất nhiều pha bóng nguy hiểm nữa cũng đến từ những tình huống bóng chết, một bài đánh có nhiều biến hóa mà đã từ khá lâu rồi các đội bóng sân 7 ở Hà Nội ít khi làm được một cách có hiệu quả.
Trận Bán kết giữa Đại Từ và Anh Pháp là một trận đấu cống hiến khi 2 đội không có chủ trương chơi phòng ngự, kể cả khi đã dẫn bàn. Điểm yếu của các cầu thủ Đại Từ là ần có thêm sự gắn kết và hiểu nhau. Trong khi đó, điểm yếu của Anh Pháp chính là… Quang Tình. Tiền vệ 35 tuổi vẫn thi đấu quá ấn tượng khi điều tiết nhịp độ trận đấu, góp công vào cả hai bàn thắng của Anh Pháp. Tuy vậy, khi Quang Tình ra sân vì lật cổ chân, Anh Pháp không còn một người chỉ huy và điều phối trên sân, điều đó đã khiến họ bị mất thế trận và hệ quả chính là bàn thua thứ 3.