Kỳ 1: Sân Long Biên, thánh địa của bóng đá phủi Hà Nội


Kỳ 1: Sân Long Biên, thánh địa của bóng đá phủi Hà Nội

Sân đấu
ĐỨC NAM - Thứ tư, ngày 06-01-2016 - 14:04:56
Bình luận
Bắt đầu từ ngày hôm nay, Bongdaphui.net sẽ giới thiệu tuyến đề tài về lịch sử bóng đá phủi hiện đại Hà Nội. Kỳ 1 sẽ làm giới thiệu về các thánh địa của bóng đá phủi Hà Nội và đặc trưng nhất là sân Long Biên.
Theo anh Ngọc Anh tệu, HLV đội bóng trà Dilmah và cũng là một dị nhân trong làng bóng đá phủi kể lại, từ lúc anh còn là 1 cậu bé, sân Long Biên, ngay cạnh nhà anh, đã thu hút rất nhiều những nhân tài về đây tập luyện. Mảnh đất hoang trở thành thánh địa, nơi vun trồng bao nhiêu thế hệ cầu thủ phủi Hà Nội, thậm chí, rất nhiều danh thủ của bóng đá Thủ đô cũng lớn lên từ đây, từ anh em nhà Cao Cường, Ba Đẻn, Phúc vổ cho đến những cầu thủ, ngôi sao bóng đá phủi như Thắng chíp, Minh phích, Công múa, Trung chinh…

Một góc sân Long Biên

Không biết từ bao giờ, bóng đá tự phát chơi trên bãi đất hay vỉa hè, sắp gạch làm cầu môn được gọi là bóng đá phủi . Đội hình cầu thủ mỗi bên độ 8-9 người, phần lớn là thanh thiếu niên chơi bóng bằng chân đất. Hồi đó, chưa có khái niệm sân 7 hay sân cỏ nhân tạo nhưng bây giờ nhưng về độ hấp dẫn thì chưa bao giờ thiếu. 

Các cầu thủ lão tướng hay chọn sân Long Biên làm nơi thi đấu

Ngày nay Hà Nội có hàng trăm sân bóng các loại, các khu vực từ vùng ven đô cho đến các khu vực ở nội thành, đâu cũng có sân bóng phủi. Riêng khu vực trường Đại học Y Hà Nội đã có tới 7 sân bóng, các trường Đại học Bách Khoa, Thuỷ Lợi đều có sân cỏ nhân tạo. Sân bóng đá phong trào Hà Nội ngày càng hiện đại, có cả đèn chiếu sáng cho người chơi bóng đá đêm sau giờ làm việc với những hệ thống sân Minh Kiệt, Sơn Trang, Thành Đồng, Thành Phát... Hà Nội có tới có hàng trăm đội bóng hoạt động thường xuyên và hàng năm có hơn 50 giải phong trào lớn nhỏ. Đây chính là những địa điểm chủ yếu để  những dân phủi nghiền bóng đá đích thực thi thố tài năng. 

Đội bóng của ca sỹ Tuấn Hưng thi đấu giao hữu tại sân Long Biên

Mặc dù hệ thống sân mini mọc lên như nấm, nhưng sân Long Biên vẫn được coi là một trong những thánh địa của bóng đá phủi Hà Nội, được rất nhiều những đội bóng phủi ưa thích, chọn làm sân nhà để thi đấu. Trong quá khứ, đội bóng trà Dilmah của bầu Hồng thường chọn sân Long Biên thi đấu nếu như đá 11 người và sân Tứ Liên khi đá 7 người. Dù nằm sâu ở trong ngõ nhỏ và gần chợ Long Biên đông đúc, nhưng sân Long Biên vẫn thu hút được các CĐV tới sân theo dõi bóng đá, đặc biệt là các ngày cuối tuần, thậm chí còn đông hơn các sân có thể đá 11 người như sân Nhà thi đấu quận Tây Hồ, sân Bách Khoa hay sân C500 (Học viện An ninh)...

Anh Ngọc Anh Tệu đã gắn bó với sân Long Biên từ mấy chục năm qua

Theo anh Ngọc Anh tệu, người hâm mộ đến với sân Long Biên không chỉ đơn thuần là thi đấu và xem bóng đá mà còn mang theo cả một sự hoài niệm. Giờ đây, cũng giống như rất nhiều sân bóng khác, sân Long Biên đã khoác trên mình chiếc áo lung linh bằng mặt sân cỏ nhân tạo thay vì mặt sân đất trong quá khứ. Và để phục vụ cả cho việc thi đấu sân 7 người, BTC sân, khi cần, đã chia thành 4 sân mini để tiện cho các đội đến đăng ký thi đấu. Các cầu thủ, CĐV đến sân Long Biên để nhớ về một thời quá khứ hào hùng, nơi đã sản sinh ra rất nhiều những ngôi sao bóng đá. 


Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá