Trong làng bóng đá phủi Hà thành, có 2 BLV cứng, nhẵn mặt ở các sân bóng đá phong trào chính là BLV Hải "bạc" và BLV Cường Camay. Họ được các CĐV và cả cầu thủ yêu mến bởi kinh nghiệm và sự hiểu biết rộng về bóng đá phong trào. Với BLV Cường Camay, ngoài những trận đấu ở các giải đấu phong trào, anh còn rất chịu khó tham gia bình luận các trận giao hữu từ thiện ở rất nhiều nơi và đảm trách luôn cả vai trò MC.
Anh già Hải "bạc" thậm chí còn đa di năng hơn. Không chỉ là một BLV xuất sắc, anh còn là nhà tổ chức các sự kiện bóng đá phủi, là trọng tài, giám đốc truyền thông của FC Thành Đồng và còn là "cây viết" có những bài bình luận về bóng đá phong trào rất sâu sắc.
BLV Hải "bạc" là người rất đa di năng
BLV Cường Camay (trái) đảm trách cả vai trò MC
Bình luận bóng đá phủi có những đặc trưng riêng, không giống bình luận 1 trận đấu bóng đá chuyên nghiệp. Ở đó, các BLV hầu như không có dữ liệu chuẩn bị trước trận đấu. Khi vào trận, các BLV hầu như không có thời gian nghỉ vì tốc độ, tiết tấu trận đấu diễn ra rất nhanh, không cho phép các BLV nói lan man.
Trong nhiều năm tham gia công tác bình luận, BLV Hải "bạc" thẳng thắn chia sẻ về những sự cố trong quá trình tác nghiệp: "Có lần tôi tham gia bình luận một trận phủi có rất đông khán giả nhưng tôi lại bình luận vào mic, phát trực tiếp lên youtube, chứ không phải bình luận sống cho cả sân nghe. Nhiều CĐV lạ lắm, cứ đi qua nhìn rồi phán một câu xanh rờn: ông này bình luận bé tý thế, ai nghe được".
Rồi có lần, anh Hải "bạc" bình luận 1 trận bóng đá phong trào đúng dịp Tết. Có cầu thủ trước khi đá bóng, có tý men say nên nhiều pha xử lý bóng hỏng. Theo thói quen, BLV Hải "bạc" nhận xét về chuyên môn rất thẳng thắn. Tuy nhiên, sau đó, anh rút ra được kinh nghiệm, khi bình luận bóng đá phong trào, các BLV nên động viên cầu thủ, nghĩa là cùng một tình huống, họ xử lý hỏng nhưng mình phải khen là rất cố gắng thay vì nói đó là 1 pha xử lý không chính xác hoặc tệ hơn.
BLV Phí Văn Mạnh (trái) và BLV Vũ Xuân Tín của MobiTV
Ở giải HPL S4 vừa qua, lần đầu tiên bóng đá phủi được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình. Ở kênh MobiTV, có 2 BLV là Vũ Xuân Tín và Phí Văn Mạnh, họ đều là những BLV chuyên nghiệp, nhiều năm bình luận các trận đấu ở giải Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp.... Nhưng khi tác nghiệp ở giải phủi, họ vẫn có những sự bỡ ngỡ. BLV Phí Văn Mạnh là người rất ham học hỏi, anh chịu khó tìm hiểu từ thực tế, các đồng nghiệp và thích nghi với môi trường bóng đá phủi rất nhanh. Trong khi ấy, BLV Vũ Xuân Tín cũng có rất nhiều những kỷ niệm vui trong khi tác nghiệp ở sân bóng C500, Học viện an ninh.
Ở vòng đấu cuối cùng của giải HPL S4, các anh em BLV phải chia nhau ra bình luận bởi có tới 4 trận đá cùng lúc. BLV Hải "bạc" đọc trận Cường Quốc - Top Group (3-5). Khi Phương Vertu hoàn thành cú hat-trick trong trận đấu đó và sở hữu 12 bàn thắng trong cả giải, BLV Hải "bạc" nói trên sóng rằng có vẻ như chắc chắn số 10 của Top Group sẽ là Vua phá lưới. Nhưng BLV Vũ Xuân Tín từ sân bên trận Văn Minh gặp Tô Ký chạy vào báo Văn Minh đang thắng đậm, ngôi sao Tú Neymar đang ghi bàn liên tiếp. Thế là BLV Hải "bạc" dí luôn mic cho BLV Vũ Xuân Tín "chém" bổ sung: "Đến lúc này thì chúng tôi cũng không biết ai là Vua phá lưới vì Văn Minh đã ghi quá nhiều bàn". Kết thúc trận Văn Minh gặp Tô Ký, đội bóng nhà xe thắng 15-4, Tú Neymar ghi 10 bàn và giành ngôi vua phá lưới với tổng cộng 15 bàn và cho đến giờ, đó vẫn là kỷ niệm vui với BLV Vũ Xuân Tín.
BLV Vũ Xuân Tín (thứ 2 từ phải sang) tại giải HPL S4
Cách sử dụng ngôn ngữ của bóng đá phủi cũng thoáng và cởi mở hơn so với bóng đá chuyên nghiệp. Ví dụ, BLV bóng đá phủi hay sử dụng cụm từ tiền vệ có khả năng chia bài để nói về khả năng kiến thiết của tiền vệ. Là người học trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, BLV Vũ Xuân Tín có thói quen dùng từ ngữ khá bay bướm và môi trường bóng đá phủi tha hồ cho anh phát huy, kiểu như : "Thủ thành Tuấn "ốc" của EOC đang áp dụng cách chơi ở V. League. Khi đội nhà đang dẫn bàn, nhằm câu giờ thì chỉ cần 1 cơn gió cũng khiến anh nằm sân, mà Tuấn "ốc" nằm sân thì lâu ghê lắm, tháo găng các kiểu".
Hay như tiền đạo chủ lực của Triều Khúc là Tuấn "ếch" có cú dứ bóng rất lâu mà ngay những cầu thủ chuyên nghiệp cũng ngại vào bóng. Trong pha ghi bàn của mình, Tuấn "ếch" dứ bóng đến 5 lần trước khi sút bóng, lâu đến nỗi tôi và BLV Cường Camay phải bình luận rằng ở cú dứ bóng của mình, Tuấn "ếch" đủ thời gian để hỏi: "Nhà anh ở đâu, tối nay làm gì, sức khoẻ tốt không, lâu rồi anh em không gặp nhau, có gì alo nhé.... rồi mới sút ghi bàn".
Sự thú vị của các BLV bóng đá phủi giúp bóng đá phong trào thêm tươi mới và phong phú hợp. Chính họ đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của bóng đá phủi, thu hút được nhiều CĐV tới sân và theo dõi các trận đấu nhiều hơn trong thời gian qua.