“Sài thành đệ nhất phủi” Capdervilar

Phủi Sài Thành
“Sài thành đệ nhất phủi” Capdervilar

My Idol
ĐÌNH THẢO - Thứ năm, ngày 10-08-2017 - 09:09:35
Bình luận
Hễ Cáp không xách giày đi đá giải thì thôi, chứ hắn đã lên sân thì y như rằng đội hắn “lượm” cúp vô địch, còn Vua phá lưới hay Cầu thủ xuất sắc thì khó có thể lọt khỏi tay hắn. Giới phủi Sài thành thường truyền tai nhau những câu chuyện như thế về Nguyễn Văn Cáp, hay còn gọi là “Vua sân phủi” Capdervilar.
Với đôi chân “biết nhảy múa”, Cáp luôn là nỗi khiếp sợ cho bất kỳ đối thủ nào mỗi lần anh ra sân thi đấu - Ảnh: Đình Thảo

Gian nan ngày Nam tiến

Qua giới thiệu, được biết Cáp cũng từng là thành viên của đội năng khiếu Quảng Trị, nhưng cảm thấy không có tương lai với con đường bóng đá chuyên nghiệp, nên Cáp quyết định Nam tiến. Thế nhưng mọi dự định, hoài bão lập nghiệp ở nơi đất khách quê người nhanh chóng bị nỗi lo cơm áo gạo tiền lấn át. 

“Đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn mà trong túi Cáp chỉ còn đúng 50.000 đồng. Cũng may là nhớ ra một số người bạn đồng hương cũng đang sinh sống ở đây, qua liên lạc thì họ thương tình cho mình về ở chung và hỗ trợ tìm việc làm. Thời gian đầu Cáp làm đủ mọi việc để lấy kế sinh nhai, biết có chút năng khiếu đá bóng nên chiều về các bạn thường rủ đi đá banh, chứ hồi đó cũng chưa nghĩ tới việc sẽ đi đá bóng để kiếm tiền”, Nguyễn Văn Cáp trải lòng.

Lần đầu tiên mang về một số tiền lớn nhờ đá bóng đó chính là lần Cáp giúp một ông anh đá giải và mang về chức vô địch. “Khi đó ông anh này đã thưởng cho tôi số tiền lên đến 500.000 đồng, trong khi lương tháng của tôi cũng chỉ là 800.000 đồng. Và sau đó tôi nhận ra rằng nếu biết tận dụng các mối quan hệ và “sử dụng” đôi chân của mình một cách hợp lý thì bóng đá sẽ là một nguồn thu đáng kể đủ cho tôi trang trải cuộc sống khó khăn hàng ngày khi vào Sài Gòn với quyết tâm lập nghiệp”, Capdervilar nói về kỷ niệm giúp mình đi theo con đường đá phủi.

Hễ Cáp tham gia là đội vô địch, còn Cáp đoạt Vua phá lưới hoặc Cầu thủ xuất sắc - Ảnh: Đình Thảo

Khẳng định thương hiệu Nam chí Bắc

“Hễ Cáp không xách giày đi đá giải thì thôi, chứ hắn đã lên sân thì y như rằng đội hắn “lượm” cúp vô địch, còn Vua phá lưới hay Cầu thủ xuất sắc thì khó có thể lọt khỏi tay hắn”, giới phủi thường truyền tai nhau những câu chuyện như thế về Nguyễn Văn Cáp. Có lẽ những lời đồn thổi trên là không ngoa, khi Cáp chia sẻ những năm tháng đá “chầu” của mình, chức vô địch của anh nhiều vô kể, thậm chí anh còn không nhớ nổi.

Cũng phải thôi, hễ đã “xung trận” thì tổ của Cáp toàn là “hàng hiệu” của phủi Sài thành. Nào là Bảo Chúng, Tuấn “cô”, Trung “nhóc”, Quốc “Dejong”, Đạt “mập”… Thậm chí giới phủi còn đánh giá, gặp “tổ” này có khi dân futsal chuyên nghiệp cũng còn phải sợ chứ nói gì mấy anh em phong trào.

Cáp không thể nhớ hết mình đã đi qua bao nhiêu tỉnh, in dấu giày lên bao sân bóng phong trào, giành bao nhiêu chức vô địch. Cáp chỉ nhớ hầu như mỗi nơi Cáp đến, thì đội của anh đều “xưng hùng xưng bá” và lấy cúp vô địch ra về.

“Đánh trận” từ Nam chí Bắc, nó không chỉ mang lại cho Cáp và các đồng đội nguồn thu nhập đáng kể từ các ông bầu, các giải thưởng. Mà đó còn là cả một quá trình để Cáp khẳng định thương hiệu của mình trong giới phủi Sài thành nói riêng và cả nước nói chung. Cũng từ đó, anh được người ta gán cho cái biệt danh “Vua sân phủi”.

Bà xã và con trai luôn là động lực to lớn để Capdervilar có được những thành công như hôm nay - Ảnh: Đình Thảo

“Một phong cách sống mã thượng”

Đó là lời đánh giá của Bảo Chúng - một “siêu phủi” khác của Sài Gòn khi nói về Cáp. Bảo Chúng là người anh em đồng cam cộng khổ cùng với Cáp đi qua mọi khó khăn, sát cánh trên sân bóng, tận hưởng chung niềm vui sau mỗi chức vô địch.

Qua tiếp xúc, tôi biết Cáp là một người chồng, người cha hết mực vì gia đình. Để tiện lợi cho công việc của vợ, Cáp thuê nhà ngang gần công ty vợ công tác để cô đỡ khổ. Còn mình thì mỗi sáng vẫn “phi” mười mấy cây số để đi làm. Thậm chí, Cáp còn kiêm luôn nhiệm vụ đưa đón cậu con trai đến trường. Dù cho công ty Cấp thoát nước Thủ Đức nơi Cáp đang làm có nhà ở cho nhân viên của mình nhưng anh vẫn không muốn vợ đi làm xa nên từ chối.

Tôi hỏi Cáp, bao năm lăn lộn đá bóng, lẽ nào anh không dành dụm đủ tiền để mua một căn nhà hay sao lại đi ở trọ? Cáp mỉm cười suy tư: “Cũng có dành dụm được một ít, nhưng mỗi lần có dự định thì bố mẹ ở quê lại gặp chuyện, nên mình phải gửi về để bố mẹ trang trải cuộc sống. Dù sao họ cũng tần tảo bao năm nuôi mình khôn lớn, giờ mình chịu khổ chút xíu để báo đáp công ơn cũng không sao”.

Nhờ đá bóng, Cáp có được mọi thứ mà theo anh, như vậy là toại nguyện rồi. Vợ đẹp con ngoan, công việc ổn định, anh em bằng hữu luôn nể trọng. Và với Cáp, cái biệt hiệu “Vua sân phủi” dường như nó là quá tầm, nhưng với bóng đá phủi Sài thành nói riêng và cả nước nói chung, Cáp vẫn là một cầu thủ “vĩ đại”!
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá