Cần hiểu rằng chấn thương dây chằng chéo trước chưa phải là sự chấm hết tất cả. Quan trọng là quá trình phẫu thuật và vật lý trị liệu chuyên sâu cần được thực hiện một cách đúng đắn và kiên trì. Việc tập luyện tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh của các cơ bắp liên quan đến hỗ trợ đầu gối có thể giúp đầu gối của bạn trở lại với những chức năng gần như nguyên sơ.
Ngược lại, nếu quá trình tập hồi phục này không thường xuyên, hoặc ca phẫu thuật không diễn ra như kế hoạch, các cơn đau có thể kéo dài. Đầu gối của bạn có thể bị viêm, đau đớn khi hoạt động, biên độ mở của khớp gối bị hạn chế và mất thăng bằng khi di chuyển. Do đó, bắt máu huyết lưu thông là bước đầu tiên cần ưu tiên trong quá trình tập hồi phục sau chấn thương dây chằng chéo trước.
Quy trình luyện tập có thể chia ra từng giai đoạn như dưới đây:
Giai đoạn I: từ tuần 0- tuần thứ 2 sau mổ
- Mang nẹp bất động gối tư thế duỗi cả khi nằm ngủ.
- Di động xương bánh chè (lên trên xuống dưới, sang hai bên).
- Hàng ngày tháo nẹp, tập gấp duỗi gối thụ động, biên độ tăng dần (duỗi hết gối, gấp tối đa có thể đến 90 độ, ngày 3-4 lần).
- Lúc đầu tập thụ động, sau tập chủ động hoặc chủ động có hỗ trợ.
- Tập gồng cơ đùi, cơ cẳng chân trong nẹp
- Tập nâng bổng chân có nẹp khỏi mặt giường, dạng, khép chân.
- Đi lại bằng hai nạng, tỳ một phần trọng lượng cơ thể, trong tư thế chân đặt nẹp duỗi gối tối đa.
- Băng chun, chườm đá vùng gối trong những ngày đầu sau mổ.
- Đặt nẹp bất động gối tư thế duỗi khi ngủ.
Mục đích của giai đoạn này
- Gối duỗi hết, gấp đến 90 độ.
- Cơ tứ đầu khỏe.
- Tập được dáng đi bình thường.
Giai đoạn II: từ tuần thứ 3- 4
- Tiếp tục gấp gối tăng dần, đạt 120 độ ở tuần thứ 4.
- Tập cơ tứ đầu và cơ gân khoeo (nếu còn): Tập gấp, duỗi gối chủ động có sức cản.
- Tập đạp xe tại chỗ.
- Đi lại bằng nạng, có thể tỳ hoàn toàn trọng lượng cơ thể trên chân mổ (vẫn đặt nẹp, duỗi thẳng gối khi tỳ chân).
Mục đích của giai đoạn này:
- Biên độ gối đạt 120 độ.
- Đứng được trên chân mổ với toàn bộ trọng lượng cơ thế, đi lại được khi không dùng nạng, không tập tễnh.
Giai đoạn III: từ 5-6 tuần
- Bỏ nẹp gối.
- Tiếp tục tập tăng biên độ gối, đến tuần thứ 6 phải gấp hết gối.
- Tập nhún đùi (xuống tấn) trong giới hạn khớp gối duỗi dần từ 90-40 độ và ngược lại.
- Tập bước lên xuống cầu thang ít bậc.
- Tập nâng đùi có bao cát khi gối gấp 90 độ, tăng dần trọng lượng.
- Tập bơi.
Giai đọan IV: tuần thứ 7-10
- Tiếp tục các bài tập như trên, tăng dần cường độ.
- Chạy bước nhỏ trên đường phẳng, chạy tới và lùi.
Giai đoạn V: từ tuần thứ 11-20
- Tiếp tục tăng cường các bài tập như trên.
- Tập chạy tăng tốc độ dần, chạy ngang, bước lên xuống cầu thang nhiều bậc, tập đứng tấn lâu hơn.
Giai đoạn VI: từ tháng thứ 5-6
- Bắt đầu chơi các môn thể thao nhẹ.
Sau 6 tháng, có thể trở lại thi đấu khi:
- Biên độ gối phải đạt được > 130 độ.
- Cơ gân khoeo (nếu còn) đạt sức khỏe > 90% bình thường.
- Cơ tứ đầu phải đạt được sức khỏe > 85% bình thường.
- Không thi đấu với cường độ cao ngay lập tức. Nên có sự theo dõi, giám sát và tư vấn của bác sỹ điều trị. Nếu có vấn đề bất thường nên ngừng ngay và đi tái khám.
Theo lời khuyên của các chuyên gia nước ngoài, có 4 nhóm cơ thiết yếu rất quan trọng hỗ trợ cho hoạt động của đầu gối là: cơ hông, cơ tứ đầu, gân khoeo và bắp chân. Ý tưởng là tập trung vào bài tập tăng sức đề kháng của các cơ này (thực hiện từ từ và ổn định) để giảm thiểu khối lượng công việc mà dây chằng chéo trước phải đảm nhận. Tập đạp xe là cách hiệu quả để tất cả các cơ phần thân dưới cùng hoạt động, cải thiện sức mạnh tổng thể và sự linh hoạt của cơ thể.
Chúc các bạn tập luyện hiệu quả và sớm trở lại với sân cỏ.