Xu thế tự nhiên của cầu thủ là tấn công
Gốc rễ của vấn đề nằm ở một sự thật cơ bản: Hầu hết những cầu thủ phong trào, không tính dân chuyên nghiệp hay phủi nặng, khi ra sân chơi bóng đều yêu thích cảm giác được ghi bàn. Nhất là những người mới tập chơi, lúc nào cũng lăm le sút bóng dù đồng đội vất vả mới giành được. Một số khác thì bị hút theo bóng, cứ thấy bóng ở đâu là đuổi theo, đặc biệt những tình huống bóng 50-50. Đừng ngạc nhiên bởi đó là khuynh hướng tự nhiên của con người: tập trung vào việc tấn công hơn là phòng thủ.
Ham tấn công không phải là cái tội bởi nó liên quan đến sự sáng tạo, chất kỹ thuật ở mỗi người và ham muốn được chơi bóng. Nhưng đó chỉ là một nửa của trò chơi.
Việc phòng thủ thường bị xem nhẹ hơn tấn công bởi nó là một công việc khó khăn. Phòng ngự là công việc bắt bạn phải chạy ngay cả khi đã mệt đứt hơi; đó là việc đòi hỏi tính kỷ luật và hy sinh nhiều hơn tấn công, là việc đặt mình vào những tình huống không khoan nhượng. Phòng ngự đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng hỗ trợ người khác, giao tiếp hiệu quả và đặt thành tích tập thể lên trên mong muốn cá nhân.
Phòng ngự tốt là nền tảng của đội bóng tốt
Nhiệm vụ phòng ngự không phải là điều nhiều người tình nguyện muốn đảm nhận, nhưng đó là việc bất cứ đội bóng nào muốn chơi tốt cũng nên xem trọng.
Hẳn chúng ta đều từng nghe một câu đúc kết rất nổi tiếng trong giới bóng đá: “Tấn công để chiến thắng một trận đấu, nhưng phòng là để chiến thắng cả giải đấu”. Chắc chắn, một đội bóng có hàng tấn công mạnh mẽ sẽ mang lại nhiều bàn thắng và cả sự phấn khích, nhưng để xây dựng một đội bóng tốt thì tổ chức hàng phòng ngự vững vàng phải là vấn đề cốt lõi. Có cảm giác một hàng thủ khó bị đánh bại sẽ lan truyền tự tin cho toàn bộ đội bóng.
Bạn không khó bị đánh bại nếu các cầu thủ ra sân với tinh thần đồng đội. Mỗi cá nhân hiểu rằng họ sát cánh cùng nhau để tạo thành một tập thể, một khối thống nhất chống lại các áp lực tạo ra trên sân. Khi mọi thành viên đều sẵn sàng gạt bỏ mong muốn của bản thân để phục vụ lợi ích của đội bóng, đó thực sự sẽ là một đội bóng không ai muốn phải đối đầu.
Giải pháp khi ai đó không chịu phòng ngự
Sẽ có những người cho rằng họ sinh ra không phải để phòng ngự. Họ cần sự thoải mái cho sáng tạo, để phát huy những sở trường của mình, để ghi bàn… Quan điểm này đáng vứt vào sọt rác, nhất là ở những môn bóng đá trên sân kích thước nhỏ kiểu futsal. Tất cả mọi người, từ
hậu vệ đứng thấp nhất cho đến cầu thủ tấn công ở xa nhất đều có vai trò phòng ngự nhất định. Thậm chí là tiền đạo đá cắm cũng cần hiểu nhiệm vụ hỗ trợ đội nhà phòng ngự khi bị đối phương tấn công.
Bạn sẽ không muốn có một đồng đội thi đấu với thái độ ăn sẵn, chờ bạn làm hết những công việc khó khăn trong khi anh ta đứng xem như không liên quan. Chúng ta cần những đồng đội sẵn sàng chiến đấu 100% khả năng vì đội bóng và vì các đồng đội của mình. Bởi vấn đề là bạn sẽ không bao giờ có được đội bóng tốt nếu tồn tại một cá nhân không làm việc theo tập thể.
Không có lý do gì để bao biện việc không tham gia hỗ trợ phòng ngự, kể cả lý do yếu thể lực. Tiết kiệm sức để tấn công bằng cách không lui về phòng ngự hoàn toàn chỉ là suy nghĩ ích kỷ thuần túy. Nếu không đủ sức thực hiện cả hai nhiệm vụ thì hãy ưu tiên cho việc phòng ngự và tạo điều kiện để người khác còn sức làm thay mình phần việc khó khăn trên.
Còn nếu bạn cho rằng mình không cần phòng ngự bởi là người duy nhất sở hữu những kỹ năng ghi bàn? Vậy thì bạn phải có điều gì đó thực sự đặc biệt để thuyết phục những người khác chiến đấu gấp đôi, còn bạn có thể tạo nên những pha bóng khác biệt trong tấn công.
Cuối cùng, nếu bạn nói rằng bạn chẳng biết phải phòng ngự như thế nào thì một là hãy tìm cách học hỏi, hai là hãy chấp nhận ngồi dự bị. Theo thời gian, nếu bạn vẫn không có sự thay đổi, đội bóng sẽ tìm người khác thay thế.
Lời khuyên cho tất cả là hãy trở thành cầu thủ có trách nhiệm với đội bóng trước khi muốn trở thành cầu thủ được mọi người ca tụng.