Sóng gió cuộc đời
Tôi hẹn cà phê với Capdervilar vào một buổi chiều nhá nhem ở gần trại cá sấu Hoa Cà, Thủ Đức. Cáp xuất hiện với bộ quần áo bảo hộ lao động nên không khó đoán ra anh mới đi làm về. Hỏi mới biết, Cáp đang là nhân viên của Công ty cấp thoát nước Thủ Đức và công việc hàng ngày của anh là sửa chữa những vấn đề liên quan đến ống nước, đường dẫn…
Tôi lấy làm lạ vì cái nghề này có đặc thù như “trực đường dây nóng”. Tức, anh phải có mặt mọi lúc nếu ai đó gọi, hay có sự cố. Ấy vậy mà Cáp vẫn có thời gian để đá bóng và đá đến đâu lượm cúp đến đó. Cáp nói với tôi: “Nói vậy chứ không vất vả lắm. Được cái, các sếp thương và họ lại thích bóng đá nữa nên tạo điều kiện tốt nhất để được chơi”.
Capdervilar đi bóng và sút bóng bằng cả hai chân
Cáp kể thế thì tôi biết thế. Nhưng khi nghe các chiến hữu kể thì khác lắm. Có lần luân xa chiến, Cáp phải xin trực đêm, dồn hết ngày phép lại để có thể chung chiến tuyến với anh em.
Tôi hỏi: “Với khả năng của mình, chỉ cần đi ‘bào’ là sống khỏe, sao lại không nghỉ đi?”. Cáp cười xòa: “Nếu vậy thì em nghỉ từ lâu rồi. Đá bóng với em là cái thú đam mê thôi. Chơi cho thỏa mãn chứ vẫn xác định kiếm lấy một cái nghề, nó là nồi cơm chính của gia đình”.
Capdervilar và "hot boy xăm trổ" Bảo Chúng
Đến đây, Cáp lại kể về câu chuyện đã cũ. Nhà Cáp đông anh em, cuộc sống khó khăn. Ngày ấy, vì cái khó cái khổ mà anh quyết định Nam tiến với hy vọng sẽ tìm thấy một chân trời mới ở Sài Gòn. Xách ba lô vô nhảy lên xe đò, Cáp may được ông anh đồng hương gọi về làm cùng vì cũng mê bóng đá.
Đó là những ngày tháng tươi đẹp bởi cứ mỗi cuối tuần Cáp lại xách giày ra sân, rong ruỗi cả vùng Đông Nam Bộ, miền Tây chơi bóng. Nhưng con tạo xoay vần, gia đình người anh gặp những sóng gió, Cáp đành phải làm lại từ đầu ở cái chốn phồn hoa đô hội với thứ “tài sản” duy nhất, đó là đôi chân biết nhảy múa của mình.
Chuyện về ông Vua sân phủi
Nguyễn Văn Cáp là ai?. Có lẽ không nhiều người biết, anh từng là thành viên của đội Quảng Trị tham gia giải Nhi đồng toàn quốc. Lứa cầu thủ của Cáp ngày ấy giờ chỉ còn Trần Văn Học là còn sống với bóng đá chuyên nghiệp, còn lại đều phải gác chuyện bóng bánh để đi kiếm cơm.
Giới phủi Sài Gòn nói rằng, Capdervilar sinh ra là để đá phủi hơn là chơi chuyên nghiệp. Đúng là thế thật. Thực ra cũng vài lần, Cáp thử sức với một vài đội bóng futsal nhưng rồi anh cảm thấy mình bị gò bó nên xin rút. Và có lẽ nhiều người đã cám ơn điều đó vì nhờ vậy mà bóng đá phong trào Sài thành lại có một ông Vua sân phủi như Cáp.
Cùng cà xã và con trai ăn mừng chức vô địch giải futsal hạng B TP.HCM
Cũng nói thẳng là chẳng ai phong cho Capdervilar cái danh “vua sân phủi” cả. Bản thân tôi khi nói chuyện với Cáp, anh cũng chối đây đẩy vì sợ thiên hạ “ném đá”. Tuy nhiên, có một người, tán đồng quan điểm và vote cho Cáp, đấy là
“hotboy xăm trổ” Bảo Chúng, một người rất được giới phủi Sài Gòn nể không chỉ vì đá bóng đỉnh mà còn vì phong cách sống rất mã thượng.
“Tui đồ rằng, nếu hắn dọn nhà thì phải thuê cái xe tải hạng nhẹ để chở huy chương, cúp, cờ… các loại. Tui chơi với Capdervilar lâu rồi nên cũng hiểu ông em này chút ít. Dường như các giải phong trào nhỏ lớn gì mà Cáp tham gia thì rất ít khi để lọt cúp”, Bảo Chúng nói chắc như đinh đóng cột. Cáp là mẫu trung phong (pivot) của sân 5. Điều mà người ta hay nhắc đến Cáp chính là khả năng sút bóng chân trái cũng giống như chân phải. Chính vì thế, đã không ít lần anh tạo ra những “siêu phẩm” trên sân ở những tư thế… thật không thể tin nổi.
Cáp nói với tôi, chục năm đi đá bóng phong trào, anh chẳng nhớ là lấy được bao nhiêu chiếc cúp, huy chương. Chỉ biết rằng, Cáp và các đồng đội từng lấy cúp ở Hà Nội, Vinh, Đông Hà, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk lắk. Ở giải đất miền Tây thì nhiều vô kể, từ đất mũi Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang… Chẳng nói đâu xa, mới vừa đây thôi, đội của Capdervilar giành chiếc cúp danh giá của Bia Sài Gòn ở Nha Trang. Và vừa rồi nữa, Cáp và Bảo Chúng giành luôn chức vô địch giải futsal Đồng Tháp mở rộng.
Vô địch cúp bóng đá phong trào - Bia Sài Gòn toàn quốc 2016
Nói tóm lại, dấu giày của Capdervilar xuất hiện khắp nơi. Đến nỗi mỗi khi nghe tên Cáp tham gia là người ta đổ dồn như đi xem hội. Đấy không phải là câu chuyện hư cấu. Chẳng hạn như lúc về Bình Phước đá giải, khán giả đến sân xem mặt ông Vua sân phủi còn đông hơn cả đội của tỉnh nhà đá hạng Nhất.
Chắc chắn, câu chuyện Capdervilar kiếm bao nhiều tiền một tháng là điều mà nhiều người quan tâm nhất. Trong giới phủi Sài thành, người rỉ tai nhau, nói về độ “bào”, nếu “Cáp là số 2 thì chẳng ai là số 1”. Dĩ nhiên, để có được ngôi vua, Cáp đã phải vượt mặt những “thánh bào” khác như Tuấn Vinh, Trung "nhóc"…
Với Capdervila, có vẻ như tiền bạc với anh không quá quan trọng. Ai thích thì chơi và ai vui thì đến. Chính cái cách chơi có vẻ “phớt lờ” ấy lại khiến cho các ông bầu rất nể trọng. Thế nên, mới có một câu chuyện thế này: Vào một ngày nọ khi biết vợ Cáp không phương tiện đi làm, một người anh đã tặng luôn một chiếc xe máy.
Cáp bảo: “Tiền ai cũng cần và chẳng biết bao nhiêu cho vừa. Điều quan trọng là mình thấy đủ, thấy hạnh phúc và đặc biệt là có nhiều bằng hữu. Đừng hy vọng làm giàu từ đá phủi bởi ở nơi này, em và nhiều người khác chủ yếu chơi, sống bằng chữ Tình thôi!”.
Ừ, vậy thì cứ tiếp tục chơi và tận hưởng đi, ông “vua sân phủi” Capdervilar!