Các sơ đồ chiến thuật futsal (phần cuối)


Các sơ đồ chiến thuật futsal (phần cuối)

Chiến thuật sân phủi
THÁI SƠN (LƯỢC DỊCH) - Thứ năm, ngày 29-12-2016 - 14:47:38
Bình luận
Bongdaphui.net giới thiệu một số sơ đồ chiến thuật thịnh hành trên sân futsal mà bạn có thể thử khi xây dựng đội bóng của mình, nhằm tăng cường tính tổ chức cùng cách vận hành lối chơi.

>> Futsal khác bóng đá thông thường như thế nào?
>> Các sơ đồ chiến thuật futsal (phần 1)

Sơ đồ kim cương

Sơ đồ này đem lại sự cần bằng giữa công và thủ, trong khi vẫn duy trì một tiền đạo đúng nghĩa (pivot) và một hậu vệ thường trực đứng phía sau. Hai cầu thủ tiền vệ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cả khâu phòng ngự và tấn công, đáp ứng yêu cầu trong mọi thời điểm của trận đấu.


Ưu điểm
+ Dễ duy trì kỷ luật chiến thuật và trách nhiệm rõ ràng trong thi đấu. Luôn có một cầu thủ với trách nhiệm rõ ràng trong phòng ngự và một người chuyên trách tấn công.
+ Hai tiền vệ có khả năng hỗ trợ cả tấn công và phòng thủ, cho phép cả hai hoặc chỉ một trong hai người tham gia tấn công và người còn lại hỗ trợ phía sau.

Nhược điểm
+ Nếu cả hai tiền vệ đều có xu hướng chơi tấn công, hàng thủ sẽ trở nên mong manh. Do đó, nó đòi hỏi các tiền vệ phải có ý thức chiến thuật tốt.
+ Hai tiền vệ đòi hỏi thể lực dồi dào, năng động và đặc biệt là phải có sự ăn ý với nhau (cần biết khi nào nên lùi lại bọc lót cho đồng đội của mình dâng lên).

Sơ đồ chữ Y

Sơ đồ này chứa đựng nhiều nguy cơ do thiên hẳn về tấn công. Nếu bạn sử dụng sơ đồ này suốt cả trận đấu, có thể bạn sẽ ghi được nhiều bàn thắng bởi đội bóng của bạn có hai cầu thủ đảm trách tấn công. Nhưng đánh đổi lại, nguy cơ bị thủng lưới cũng rất cao. Vì thế sơ đồ này được khuyến khích dùng trong trường hợp đội bóng của bạn mạnh hơn đối phương hoặc đang rất cần ghi bàn.


Ưu điểm
+ Hữu ích khi gặp đội yếu hơn hoặc khi cần ghi bàn.
+ Cầu thủ thi đấu thấp nhất trong đội hình sẽ phải gánh vác trách nhiệm rất lớn, vừa khởi phát các đợt tấn công, vừa phòng ngự.
+ Phù hợp hơn nếu chơi với đội hình đẩy cao gây sức ép.

Nhược điểm
+ Đòi hỏi rất cao ở các cầu thủ phòng ngự nếu đối phương là đội bóng chất lượng. Bạn sẽ gần như luôn được yêu cầu phòng ngự với ít nhất ba cầu thủ, do đó nên xem xét linh hoạt chuyển sang sơ đồ kim cương hoặc kim tự tháp khi đội của bạn không có bóng.
+ Nếu hai cầu thủ tiền đạo không nhiệt tình tham gia phòng ngự, sẽ không đủ quân số để bắt đầu tổ chức một đợt tấn công và khi đó, khả năng mất bóng lần nữa là rất lớn.

Đừng áp dụng cứng nhắc một sơ đồ

Chọn cho đội bóng của bạn một sơ đồ phù hợp nhất trong những sơ đồ trên là một khởi đầu tốt. Nhưng nếu bạn chỉ cứng nhắc với một sơ đồ thì đó lại là điều không nên.

Những trận đấu futsal có nhịp độ rất nhanh nên mẫu cầu thủ lý tưởng là những người có thể chơi nhiều vai trò ở bất cứ thời điểm nào. Ví dụ, một pivot cũng có thể làm thay nhiệm vụ của một hậu vệ khi đồng đội của mình đã dâng lên. Tương tự như vậy, một hậu vệ có thể đóng vai như tiền đạo trong những tình huống tấn công. 

Hãy chọn một sơ đồ khung cho phép các cầu thủ hiểu được khái quát ý đồ và trách nhiệm của họ trên sân. Nhưng không có nghĩa cầu thủ sẽ gắn chết với một cách chơi. Đó chỉ là tiền đề cơ bản để phát triển các sơ đồ mới tùy thuộc đối thủ, yêu cầu của trận đấu.

Chiến thuật nâng cao, các biến thể

Những đội bóng tốt là những đội có thể chơi nhuần nhuyễn 2 hay nhiều sơ đồ khác nhau, bao gồm sơ đồ chuyên cho phòng ngự và sơ đồ chuyên để tấn công. Một số đội sử dụng rất thành công sơ đồ 3-0-1 khi thủ và chuyển hóa sang 1-1-2 khi công.

Việc đội bóng của bạn chơi thành thạo nhiều kiểu sơ đồ khác nhau sẽ đem lại sự đa dạng, hoàn thiện hơn về chiến thuật và đối thủ cũng khó khăn nếu muốn khắc chế được. Lời khuyên của chúng tôi là hãy thử nghiệm thật nhiều để chọn ra đâu là sơ đồ tối ưu khi phòng thủ và sơ đồ tối ưu lúc tấn công với những cầu thủ bạn đang có trong tay.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá