Không chỉ anh em chơi bóng phong trào mà ngay cả với những cầu thủ chuyên nghiệp, chấn thương đầu gối là một nỗi lo thường trực, bởi nó là con đường dễ dẫn đến khả năng kết thúc sự nghiệp của họ. Nói một cách hình tượng thì chơi bóng đá giống như một trận chiến lớn giữa người đàn ông với chính cái đầu gối của anh ta. Và chúng ta đã tổn thất rất nhiều đồng chí trong cuộc chiến này.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của đầu gối, những nguy cơ mà nó phải đối mặt khi chơi bóng và chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa.
Các vấn đề đầu gối gặp phải khi đá bóng
Đầu gối được “thiết kế” để giúp chúng ta đứng lên, ngồi xuống, đi lại và chạy. Ở góc độ khoa học, tạo hóa ban đầu không thiết kế đầu gối để phục vụ chuyện chơi bóng. Để chơi bóng mà không cần lo lắng, chúng ta cần những chiếc đầu gối có độ bền cao hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là ai chơi bóng đá cũng đều gặp tổn thương đầu gối. Nhiều cầu thủ đá mãi cũng chẳng vấn đề gì, và anh ta nên cảm thấy mình may mắn. Trong khi ấy, có rất nhiều người khác đau khổ vì cái đầu gối hay dở chứng, không phải chỉ những cầu thủ lớn tuổi mà ngay các cầu thủ trẻ cũng vẫn gặp phải.
Theo giải thích của chuyên gia vật lý trị liệu Nell Mead (Giám đốc trung tâm chăm sóc sức khỏe tại London): “Đầu gối được thiết kế để dừng, di chuyển và có thể xoay một chút, nhưng không có phẩm chất nào đủ tin cậy cho việc chơi bóng”. Hệ quả là các cầu thủ thường gặp hai dạng tổn thương đầu gối chính: Chấn thương dây chằng và chấn thương sụn chêm.
1. Chấn thương dây chằng
Đây là dạng chấn thương gặp nhiều nhất trong các chấn thương đầu gối, và một trong những triệu chứng bạn thương xuyên nghe nhất là: chấn thương dây chằng chéo trước (ACL). ACL là dây chằng kết nối xương đùi với xương chày ở trung tâm của đầu gối. ACL có nhiệm vụ giữ cho xương chày không bị trượt về phía trước khi chuyển động.
ACL chạy xuyên qua trung tâm của đầu gối, như bạn có thể quan sát hình ảnh bên dưới (hình bên phải biểu thị đoạn dây chằng chéo trước đã bị đứt).
Dây chằng chéo trước đặc biệt dễ bị tổn thương qua các động tác di chuyển hoặc dừng lại đột ngột. Chuyên gia Nell giải thích: “Vì ACL có nhiệm vụ hãm không cho xương chày (xương cẳng chân) trượt quá về phía trước, nên sẽ dễ bị tổn thương khi cầu thủ chơi bóng dừng bước chạy đột ngột hoặc tiếp đất sau pha bật nhảy”.
Nếu bạn cảm nhận được dây chằng chéo của mình không ổn, hãy nghỉ chơi bóng một vài tháng (tiếp tục thi đấu sẽ để lại hậu quả cực kỳ tồi tệ là đứt dây chằng). Trong trường hợp ACL đã bị đứt, bạn sẽ cần phải phẫu thuật và tuân thủ nghiêm ngặt quá trình vật lý trị liệu và phục hồi trước khi có thể chơi bóng trở lại. Không phải ai từng đứt dây chằng chéo cũng đều phẫu thuật, nhưng hãy chắc chắn là bạn đã nhận được sự tư vấn đầy đủ của bác sỹ.
2. Chấn thương sụn chêm đầu gối
Một dạng chấn thương đầu gối khác cũng rất phổ biến và nó gây ra bởi các động tác xoay, vặn quá mức.
Chuyên gia Nell giải thích: “Khi khám một ca chấn thương đầu gối bị vặn xoắn, chúng tôi thường nhận thấy vấn đề ở phần sụn chêm (phần “đệm” màu xanh giữa đầu gối trong hình bên dưới). Đĩa sụn này như miếng đệm giữa xương chày và xương đùi để hai đầu xương có thể xoay theo các hướng có giới hạn”.
Phần sụn chêm này ma sát với các khớp xương nên nó có thể mòn theo thời gian. “Sụn chêm không được cung cấp khá ít máu và không giỏi tự phục hồi”, Nell cho biết.
“Một trong những chấn thương đầu gối rất phổ biến là ở phần bề mặt đĩa sụn chêm, chủ yếu gây ra do các động tác xoay, vặn đầu gối. Nó không thường xảy ra với những người có sụn chêm khỏe mạnh. Thật không may, nếu sụm chêm của bạn đã kém, bạn sẽ gặp khó khăn với các vận động liên quan đến đầu gối, ngay cả đi lại bình thường cũng có thể đau đớn. Bạn sẽ cần phải phẫu thuật, nhưng không bao giờ sụn chêm trở lại được như ban đầu”.