Zinedine Zidane, một trong những danh thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, từng chia sẻ rằng: “Tất cả mọi thứ tôi đạt được trong sự nghiệp là nhờ chơi bóng trên đường phố với bạn bè”. Không thể phủ nhận bóng đá đường phố, hay hiểu một cách gần gũi là bóng đá phủi, có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống bóng đá nói chung tại Pháp.
Có những quốc gia, như Nhật Bản chẳng hạn, xây dựng bóng đá cơ sở từ học đường để tạo nên những hạt giống cho bóng đá chuyên nghiệp. Còn với nước Pháp, bóng đá phủi trên đường phố chính là thửa ruộng màu mỡ cung cấp vô số nhân tài nổi đình nổi đám, tỉ dụ như Riyad Mahrez, Hatem Ben Arfa, Yacine Brahimi, Ousmane Dembele, Serge Aurier… Đó là chưa kể những cầu thủ đi theo nghiệp futsal cũng cực kỳ thành công, trở thành những cầu thủ hàng đầu châu Âu.
Ở Pháp, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con cái theo học các trung tâm đào tạo bóng đá, nhất là trẻ em nghèo thuộc thành phần nhập cư. Những đứa trẻ này tụ tập cùng nhau chơi bóng trên các khu phố để rồi từ đó tài năng dần dần phát lộ. Các trận đấu phủi đã rèn giũa cho lũ trẻ kỹ năng chơi bóng sáng tạo, khả năng thích ứng tuyệt vời với hoàn cảnh. Điều đó lý giải phần nào phẩm chất kỹ thuật thượng thừa của các cầu thủ Pháp, cũng như việc họ là quốc gia xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất tại châu Âu nhờ khả năng hòa nhập nhanh chóng.
Bóng đá đường phố là một đặc sản văn hóa ở Pháp
Trở lại với câu chuyện về những đứa trẻ trên các sân bóng phủi tại Pháp, một số chơi vì đam mê, nhưng một số khác hiểu rằng cần phải vươn lên trở thành người giỏi nhất, bởi đó là cơ hội để thoát nghèo. Vì lẽ đó, chúng không ngừng phấn đấu, học hỏi để hoàn thiện các kỹ năng thi đấu. Trên cơ sở đó, rất nhiều đội bóng phủi, thường đại diện cho các khu phố, đã ra đời. Đội bóng khu phố này giao đấu với đội bóng khu phố kia, cấp cao hơn là đội bóng giữa các thành phố thi đấu với nhau hoặc thi đấu các giải liên quốc gia. Cứ như thế, bóng đá phong trào tạo thành một mạng lưới sàng lọc nhân tài, đưa những cái tên xuất sắc nhất ra ánh sáng.
Những đứa trẻ thực sự tài năng nhưng trước kia không có cơ hội theo học các trung tâm thể thao thì thông qua con đường này đã được các CLB trao cơ hội gia nhập. Đó chính là những gì Zidane đã trải qua để khẳng định sự vĩ đại của mình.
Song điều đáng ghi nhận là những lớp cầu thủ sau khi thành công vẫn không quên cội nguồn đã nuôi dưỡng họ thuở hàn vi. Nhiều cầu thủ thành danh, trở nên giàu có đã quay về chốn cũ để chung tay giúp đỡ những thế hệ mới. Đóng góp của họ có thể là tặng những đôi giày đá bóng cho lũ trẻ nghèo, hỗ trợ tổ chức các giải đấu, duy trì hoạt động của các đội bóng… Hậu vệ Serge Aurier của PSG từng khiến nhiều người ngạc nhiên khi ăn mừng với chiếc áo có dòng chữ Sevran. Hóa ra đó là đội bóng khu phố của Aurier mà chàng hậu vệ này luôn ghi tâm khắc cốt.
Aurier mặc áo in tên đội bóng khu phố của mình
Cứ như vậy, bóng đá đường phố đã góp phần rất lớn tạo nên diện mạo của nền bóng đá Pháp ngày hôm nay. Bài học chúng ta có thể rút ra từ góc độ của bóng đá Việt Nam là đừng bao giờ để tồn tại tư duy "Cũng chỉ là bóng đá phong trào thôi, có gì ghê gớm đâu". Khi mà bóng đá phong trào được quan tâm và xem trọng, tự khắc nó sẽ đền đáp lại bằng những giá trị tương xứng.
Tất nhiên mỗi quốc gia có một đặc thù văn hóa hay điều kiện xã hội khác nhau, chúng ta không nên đem nguyên si mô hình của bóng đá Pháp vào áp dụng thực tế. Nhưng cái tinh thần của họ đáng để suy ngẫm. Rõ ràng, không một cá nhân nào có thể kéo một nền bóng đá tiến lên, nhưng khi mọi người cùng đồng lòng, mỗi người góp một cánh tay thì sẽ có thêm những cánh cổng mở ra, sẽ có nhiều câu chuyện như Nghiêm Xuân Tú được viết nên…
Mà trước tiên và cũng rất cấp thiết là hãy giữ lại những sân chơi, thậm chí là gây dựng thêm nhiều sân bóng mới để nhu cầu chơi bóng của mọi người không bị đè bẹp bởi những khối bê tông vô tri.