Làm thế nào chơi tốt vị trí thủ môn? (Phần 1)


Làm thế nào chơi tốt vị trí thủ môn? (Phần 1)

Tin Tức
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Thứ tư, ngày 04-01-2017 - 16:18:16
Bình luận
Thủ môn vẫn được ví như người nắm giữ 50% thành công của đội bóng. Có thể sẽ có những ý kiến khác, nhưng đa số người chơi bóng đá sẽ đồng ý rằng: đó là vị trí trọng yếu trên sân.

Thủ môn là người đứng sau lưng hàng phòng ngự, là chốt chặn cuối cùng không cho trái bóng đi vào khung thành. Làm tốt công việc đó, bạn là một người hùng. Nhưng nếu bạn mắc sai lầm, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi ấy bạn trở thành mối lo lắng đối với phần còn lại của đội bóng. Và bạn sẽ cầu nguyện giá như có ai có thay thế mình gánh vác cái phần việc vinh quang thì ít mà trọng trách lại nhiều này.

Muốn trở thành đội bóng mạnh, bạn sẽ cần một thủ môn giỏi

Trong các trận đấu “cỏ”, phần lớn cầu thủ bị dí trông gôn một cách miễn cưỡng, hiển nhiên vì không ai muốn trở thành bia đỡ đạn cả, và nó là một trong những lý do chính các đội bóng đó thường thua trận ngớ ngẩn. Nếu đội bóng không có một thủ môn thực thụ, một người yêu thích cảm giác bay lượn trong khung gỗ, thì phần còn lại của đội bóng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Giống như cái chân đế không chắc chắn sẽ làm cho cái ghế không thể nào vững chãi.


Nhưng dù là bạn yêu thích vai trò thủ môn hay là miễn cưỡng thi đấu đi chăng nữa, việc hiểu biết về vị trí này cũng sẽ giúp bạn cải thiện hiệu suất thi đấu và tránh được kha khá những sai sót không đáng có. 

Vì vậy, hãy bắt đầu với việc tìm hiểu những phẩm chất quan trọng để trở thành thủ môn.

1. Sự tập trung

Các trận đấu sân 7 không giống các trận sân 11. Sự khác biệt lớn nhất đối với một thủ môn, cũng là nguyên nhân khiến nhiều anh em yêu thích bóng đá sân 7, là việc họ phải (được) tham gia vào các tình huống nhiều hơn hẳn sân 11. Điều đó đòi hỏi các thủ môn sân 7 không chỉ bắt bóng tốt, chơi chân thành thục, biết phát động bóng mà còn phải luôn luôn tập trung vào trận đấu.  

Thủ môn cần phải giữ tập trung cao độ
Thủ môn cần phải giữ tập trung cao độ

Trong mùa giải 2014/15 tại Premier League, trung bình có khoảng 13 cú sút cầu môn mỗi trận, trong đó chỉ có 4 lần bóng đi trúng đích. Có nghĩa là các thủ môn sân 11 có khá nhiều thời gian... đứng xem trận đấu. Nhưng đối với thủ môn sân 7, cứ trung bình 2, 3 phút lại có cú sút được thực hiện. Hiếm khi trận đấu kết thúc mà áo quần của họ không lấm lem bụi đất vì chỉ cần sểnh chân đối phương có thể tung cú sút ở bất cứ vị trí nào. 

Bởi vì bản chất của bóng đá sân 7 là rất nhiều cơ hội ghi bàn được tạo ra, diễn biến tình huống cũng nhanh hơn nên thủ môn cần giữ tỉnh táo, chuẩn bị cho tình huống xấu ngay cả khi đội nhà đang tấn công. Lúc nào họ cũng phải trong tình trạng sẵn sàng bảo vệ cầu môn bởi đồng đội có thể mất bóng bất cứ lúc nào. Nếu không làm chủ tình hình, thủ môn sẽ không kịp di chuyển, nhận định hay phản xạ cứu nguy.

2. Lòng can đảm

Tố chất đầu tiên để trở thành thủ môn là không được sợ bóng. Thấy đối phương co chân sút đã co rúm hay quay mặt là coi như vứt đi. Khác với các cầu thủ khác trên sân, thủ môn là người được phép dùng toàn bộ các bộ phận trên cơ thể để chơi bóng (trong vòng cấm). Vì thế nhiều khi thủ môn hay bị đau do các cú sút cực mạnh ở cự ly gần.

Thủ môn là người phải hứng chịu những cú sút về phía mình
Thủ môn không được phép sợ đau đớn

Áo thi đấu hay găng tay có thể bảo vệ phần nào cho các thủ môn, nhưng đôi khi thủ môn còn phải dùng cả mặt để cứu nguy. Ai từng bị bóng sút trúng mặt chắc đều hiểu cảm giác chẳng dễ chịu tẹo nào. Đối phương sẽ càng thích thú hơn nếu bạn để lộ ra sự sợ hãi và họ sẽ càng sút nhiều hơn. Vậy nên nếu không có can đảm chịu đau, bạn nên từ bỏ ý định làm thủ môn ngay từ đầu.

Làm sao để thủ môn đổ người mà không đau?

NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY
Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản

3. Chọn vị trí

Thủ môn sân 7 không cần có thể hình cao to như sân 11, tuy nhiên anh ta cần phải biết đọc tình huống để chọn vị trí tốt. Dù kích thước cầu môn không lớn nhưng đối phương vẫn sẽ dễ dàng ghi bàn nếu thủ môn chỉ biết đứng một chỗ cản phá. 

Chọn vị trí ra vào hợp lý giúp thủ môn hạn chế nguy cơ thủng lưới

Trên sân 7 thủ môn vẫn có một khu vực vòng cấm để hoạt động (cho phép dùng tay), hãy học cách làm chủ nó thật tốt. Giả sử có một đối thủ đang lao đến, bạn nên lao ra để làm hẹp góc sút thay vì cứ đứng trên vạch vôi cầu môn chờ họ dứt điểm. Khi đó phản xạ thường sẽ không kịp.

Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá