Thể lực là cái mà phần đông anh em chơi bóng phong trào luôn thiếu, dĩ nhiên mỗi người ở một mức độ khác nhau, nhưng đó là điều bình thường bởi chúng ta không được đào tạo để chơi đá bóng chuyên nghiệp. Song tin mừng là ai cũng có thể cải thiện vấn đề thể lực để thi đấu hiệu quả hơn. Bởi yếu tố thể lực cũng quan trọng như tố chất kỹ thuật để tạo nên một cầu thủ giỏi.
Đối với anh em mới bắt đầu làm quen hoặc không thường xuyên chơi bóng, chúng ta thường gặp tình trạng “hết pin" nhanh chóng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia trận đấu. Đối với những người thi đấu nhiều hơn, anh em có thể đá hết cả trận, nhưng khó duy trì cường độ vận động liên tục trong suốt thời gian 90 phút.
Khi nói đến vấn đề cải thiện thể lực, tất cả chúng ta đều muốn đạt được mục đích một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, xây dựng nền tảng thể lực chơi bóng là cả một quá trình mà không có bất kỳ giải pháp đốt cháy giai đoạn nào cả.
1. Cách tốt nhất để cải thiện thể lực là… tiếp tục chơi bóng
Câu trả lời đơn giản như đang giỡn vậy. Nếu anh em đang chơi bóng mà muốn cải thiện thiện thể lực hơn nữa thì hãy đặt ra cho mình giới hạn cao hơn. Bình thường nếu chúng ta đá nửa tiếng đã “quay tay" xin ra thì những trận tiếp theo hãy cố vượt qua ngưỡng mệt để đá khoảng 45 phút, rồi dần dần lên 60 phút. Trước đây một tuần chơi 1 trận thì thu xếp để tuần tăng lên 2 trận… Cứ như vậy, chắc chắn kiểu gì thể lực cũng cải thiện.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rất rõ, chơi bóng đá là môn thể thao cải thiện sức khoẻ thể chất tốt hơn rất nhiều so với các môn thể thao mang tình cá nhân (ví dụ như chạy bộ). Điều đó không có nghĩa là chơi các môn khác thì không tốt, nhưng bóng đá là môn chơi đòi hỏi vận động toàn diện, vì thế giúp cải thiện thể lực hiệu quả hơn.
2. Nỗ lực
Ngay cả khi anh em đang chơi bóng khá thường xuyên thì hiệu quả về thể lực sẽ chỉ rõ rệt nều chúng ta thực sự nỗ lực thúc ép bản thân mình tiến lên. Đơn giản, nếu đá cả trận mà chỉ loanh quanh đi bộ trên sân thì có 10 năm sau thể lực cũng vẫn thế, vẫn là "cục tạ" đồng đội phải gánh. Nguyên tắc này đúng với mọi mặt cuộc sống, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ nếu không cố gắng, lúc nào cũng chỉ trông chờ ở người khác.
3. Tìm động lực cho bản thân
Sự thực là có rất nhiều người mắc “căn bệnh"... luyện tập bằng mồm. Nghĩa là mong muốn thì nhiều nhưng khi bắt tay thực hiện lại đưa ra cả trăm lý do bao biện cho cái sự lười nhác của mình. Nguyên nhân phần lớn bởi họ không thực sự có động cơ để phấn đấu, không đủ động lực buộc bản thân thay đổi.
Để đảm bảo điều đó không xảy ra, hãy xác định một mục tiêu cụ thể mà chúng ta cần cố gắng đạt được. Và quan trọng hơn là TẠI SAO chúng ta muốn đạt được nó. Ví dụ như chúng ta đặt mục tiêu phải giảm được 5kg trong vòng một tháng tới, hãy nghĩ về nó thật nhiều và hình dung nếu thành công thì sẽ thế nào (chạy nhanh hơn, dẻo dai hơn, toả sáng thường xuyên hơn…). Bằng cách tạo ra mục tiêu và làm cho động lực của mình đủ mạnh, anh em có thể vượt qua được sự lười biếng, chán nản và nhiều cám dỗ khác.
4. Tập luyện bất kỳ khi nào có thể
Rất nhiều người khi nói đến tập luyện thường mang lý do rằng bận công việc, gia đình, không có thời gian hoặc không có điều kiện để bao biện cho việc không hoàn thành. Tuy nhiên, những lời biến hộ này thường chỉ là minh hoạ cho sự thiếu động lực rèn luyện thể lực mà thôi.
Nếu là người suy nghĩ tích cực, có động lực thực sự, người đó sẽ thấy cơ hội tập luyện ở khắp mọi nơi. Ví dụ, thay vì đi đâu cũng phải dùng xe máy thì chúng ta có thể đi bộ hoặc xe đạp, bớt dùng thang máy ở nơi làm việc mà leo vài tầng bằng cầu thang cho dẻo chân… Những vận động này không biến chúng ta thành những vận động viên chuyên nghiệp, nhưng đủ để tạo ra sự khác biệt về sức khoẻ. Hơn thế nữa, liên tục tìm kiếm các cơ hội tập thể dục trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp chúng ta giữ được tinh thần tích cực và tập trung vào mục tiêu của mình.
5. Tôn trọng lịch tập luyện