Tư vấn găng (Kỳ 1): Chọn găng thế nào cho chuẩn?


Tư vấn găng (Kỳ 1): Chọn găng thế nào cho chuẩn?

Tin Tức
HIẾN LÊ - Thứ tư, ngày 24-02-2016 - 14:16:32
Bình luận
Bên cạnh chuyện giày thi đấu thì với các thủ môn, chọn cho mình 1 đôi găng tay phù hợp là điều không hề đơn giản. Trong Tư vấn găng số đầu tiên này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách chọn găng thế nào cho hợp lý.

1. THỜI GIAN SỬ DỤNG

Đó là điều đầu tiên bạn cần cân nhắc trước khi lựa găng cho mình. Bạn muốn mua 1 đôi găng thật bền để gắn bó lâu dài với khung gỗ, hay chẳng qua là đội trưởng/HLV bắt bạn phải về gôn "chữa cháy" 1 trận nên phải mua găng? Tùy theo nhu cầu sử dụng dài/ngắn mà bạn nên chọn loại găng phù hợp với túi tiền của mình. Nếu bạn không sử dụng dùng nhiều, chỉ cần ra những cửa hàng thể thao thông thường mua đôi găng tầm 100-200 ngàn là đã đủ dùng. Nhưng nếu bạn ra sân mỗi tuần ở vị trí thủ môn, thì thực sự bạn nên đầu tư một đôi găng chất lượng để sử dụng.

2. BẢO VỆ TAY

Găng tay được sinh ra để bảo vệ bàn tay của các thủ môn. Do đó, điều tiếp theo bạn nên cân nhắc khi mua găng là chọn loại nào bảo vệ đôi tay bạn tốt nhất. 

Một đôi găng như thế này chắc chắn không thể gỗ trợ anh em trong việc bảo vệ cổ tay được rồi...
Một đôi găng như thế này chắc chắn không thể hỗ trợ anh em trong việc bảo vệ cổ tay được...

Đầu tiên là phần thun cổ tay. Bạn có thể chọn giữa loại có khả năng cố định cổ tay chắc chắn nhưng khiến bạn thiếu linh hoạt khi cử động hoặc loại hỗ trợ bạn khả năng xoay tay thoải mái hơn. Cách phân biệt giữa 2 loại này là bạn hãy cầm đôi găng ở vị trí thun cổ tay rồi sau đó lắc nhẹ găng về 2 phía để xem phần thân trên của găng cử động có linh hoạt hay không. 

Găng có khung xương là sự lựa chọn an toàn nếu bạn thường gặp những đội thích
Găng có khung xương là sự lựa chọn an toàn nếu bạn thường đối mặt những chân sút thích "đóng gạch"

Tiếp theo là ở các đầu ngón tay. Hiện nay trên thị trường có 2 loại găng là có khung xương và không có khung xương. Khung xương là từ dùng để chỉ những trục bằng nhựa mềm ở trong phần ngón của găng, giúp các thủ môn không bị trật khớp hoặc gãy ngón trước các cú sút của đối thủ. Tuy nhiên, điểm trừ của loại này là khả năng cử động của các đầu ngón tay không thực sự linh hoạt. Găng này sẽ phù hợp với các thủ môn lực tay yếu hoặc cần phải đối phó với những chân sút thường xuyên "đóng gạch" của đội bạn.

Trong khi đó, các thủ môn như Thibaut Courtois lại thích dùng găng không có khung xương để cử động ngón tay linh hoạt hơn
Trong khi đó, các thủ môn như Thibaut Courtois lại thích dùng găng không có khung xương để cử động ngón tay linh hoạt hơn

Loại không khung xương có những tính năng ngược lại. Cử động ngón tay dễ dàng hơn, phù hợp với những tình huống chụp bóng hay pha nào cần ném dài. Tuy nhiên, nếu gặp ai thích "bắn phá" mà các thủ môn tay không "khỏe" sẽ phải dè chừng. Nhẹ thì rát tay, rách da, nặng thì trật khớp, bong gân. 

3. KIỂM TRA MÚT 

Để hạn chế việc chấn thương vì dùng găng không có khung xương, các thủ môn có thể lựa chọn cho mình loại sản phẩm nào có mút thật chất lượng. Mút găng dùng để chỉ chất liệu làm nên phần lòng trong của găng (thường là làm bằng các loại cao su). Hiện nay, các hãng thể thao đang ngày một cải tiến hơn chất liệu mút để hỗ trợ tối đa các thủ môn trong việc bảo vệ khung gỗ của mình.

Thông thường, các thủ môn sẽ thích dùng loại găng nào có mút dày hơn, bởi điều này đồng nghĩa họ sẽ được trợ lực tốt hơn khi bắt bóng. Hơn nữa, độ bền của găng sẽ cao hơn hẳn. Đương nhiên, găng mút dày sẽ có giá thành cao hơn găng mút mỏng. 

Loại mút siêu đặc biệt với khả năng dính bóng cực cao dù trong điều kiện bóng thấm đẫm nước
Loại mút siêu đặc biệt với khả năng dính bóng cực cao dù trong điều kiện bóng thấm đẫm nước

Tuy nhiên, không phải loại găng nào cũng chất lượng như nhau. Chúng ta đều biết rằng, các thủ môn phải làm rất nhiều công việc trong khung gỗ, đặc biệt là ôm bóng và ném bóng. Để hoàn thành tốt công việc này, ngoài lực tay thì độ ma sát của găng là rất quan trọng. Nhiều loại găng có chất lượng thấp không những ma sát kém mà còn nhanh bị sờn da, dẫn tới việc nhanh phải thay găng mới.

Để kiểm tra chất lượng mút, bạn có thể thử xỏ găng rồi cầm bóng bằng một tay theo hướng dốc ngược, xem bóng có dễ dàng rời tay dù đã cầm chắc không. Ngoài ra, bạn có thể thử xoa 2 găng vào nhau xem găng có trơn không. 

Hy vọng sau bài viết này, các anh em thủ môn, những người hùng thầm lặng của các đội, sẽ rút ra được cho mình kiến thức để chọn những đôi găng phù hợp nhất, giúp anh em vững vàng trước mọi đối thủ. Và đừng quên trở lại với bongdaphui.net để đón đọc những số tiếp theo của Tư vấn găng cũng như Tư vấn giày nhé.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá