Chuyện một soái ca
Tính cả tuổi mụ, năm nay bầu Tùng (tên thật là Bùi Thanh Tùng) đã lên 37. Hay nói vui như anh, tuổi tui bằng biển số xe… quê choa (tức 37, Nghệ An). Có lần, gặp chị Thắm, bà xã và cũng là “người quản lý hình ảnh” của Tùng, tôi được nghe chị kể cái tội mê… bóng banh của anh.
Chị bảo: “Ổng ham lắm, chân phải đã đứt 1 cọng và lên thớt rồi. Chân bên kia đốc-tờ (bác sĩ) chẩn là đã đứt nửa cọng, vậy mà cố bó dây thun để lăn vào sân với tụi nhỏ. Nói riết, ổng chẳng chịu nghe. Giờ tui cũng theo ổng luôn”.
Giọng chị Thắm có vẻ giận dỗi. Ấy vậy mà khi gặp soái ca của mình lại ăn nói nhẹ nhàng như “rót mật vào tai”. Mấy tay lính của bầu Tùng bảo: "Nhìn zậy chứ không phải zậy, ổng bả tình lắm anh ơi!".
Tôi bán tín bán nghi, nhưng giờ đã tin thật.
Chuyện là thế này, hôm rồi, tổ chức giải giao hữu quyên góp tiền cho học sinh nghèo hiếu học, ông bầu của đội bóng Đức Thắng GPRS, cũng là đơn vị chủ giải, vào sân và sắm vai thủ môn. Trong lúc cả hai đội đang đá ầm ầm, thì tôi – “bình loạn viên” của trận đấu phát hiện một “bóng hồng” đứng sau cầu môn.
Chập tối, mắt lại quáng gà, tôi không nhận ra chị Thắm. Mà thật là chị trông khác quá. Hơn nữa, chẳng ai dám nghĩ chị lại đứng sau để giám sát soái ca của mình. Hóa ra không phải, vì quá sốt ruột, chị Thắm vội vã ra đó để nhắc chồng bớt bay nhảy lại, bởi đối thủ sút bóng mà cứ như trút “mưa bom bão đạn” vào gôn. Chiều ấy, nhiều người lo cho bầu Tùng. Lo vì nhìn dáng chạy của bầu Tùng cứ mong manh như pha lê. Và lo vì cứ “làm bia” và đổ vật như thế có khi lại “tiễn” nửa cọng còn lại lên đường.
Chúng tôi đã lo xa. Cái buổi chiều hôm ấy, không biết có nhờ “hơi” của bà xã hay không mà bước đến đâu, bóng cứ “dính” bầu Tùng đến đó. Họa may có một tình huống, bóng đập cột dọc, chạm vào mông rồi bay vào lưới, đội bạn mới có bàn. Và đội của bầu Tùng cũng chỉ chịu thua trên chấm phạt đền.
Kể chuyện qua loa, cốt cũng để nói, bầu Tùng của Đức Thắng GPRS, nhà vô địch của Việt Nam từng góp mặt trong 10 đội bóng trên thế giới, tham dự giải bóng đá Standard Chatered – đường đến Liverpool 2015 là một người đầy đam mê. Anh đam mê đến độ “què” vẫn cố lết ra sân để kiếm mấy giọt mồ hôi và đỡ ngứa ngáy chân tay.
Tình như bầu Tùng
Bầu Tùng là chủ một doanh nghiệp chuyên gia công vàng bạc có tiếng ở đường Nguyễn Duy Dương, Quận 5 (TP.HCM). Giới phủi Sài Gòn biết mặt ông bầu quê ở Ninh Thuận này từ lâu. Nhưng mãi cho đến khi Đức Thắng GPRS giành vé đến Anfield, bầu Tùng mới được chỉ mặt gọi tên.
Bầu Tùng nổi tiếng không chỉ mê bóng đá đến độ không thèm nhìn… bóng hồng, mà ông còn được biết đến như một con người mã thượng, sống có nghĩa tình huynh đệ, thầy trò.
Được biết, tất cả lính lác đang làm việc cho Đức Thắng GPRS đều xuất phát từng là những cầu thủ nghiệp dư. Khi họ về với bầu Tùng đều được đào tạo nghề và quan trọng là được chơi bóng đá. Thậm chí, có khi ông bầu này cho quân của mình nghỉ cả tuần để rong ruỗi đi đá giải phủi, hay thiện nguyện.
Cần phải thẳng thắn, trong giới bầu phủi ở Sài thành, tiếng nói của bầu Tùng chưa hẳn đã được định vị. Nhưng đôi khi trong giới, cứ không phải đá đến đâu vô địch đến đó là được… nể, thay vào đó những hành động vì xã hội, vì cộng đồng và những người sống xung quanh.
Thì đây, mấy lần được ngồi uống bia với ông bầu có cái giọng rè rè khó nghe này, tôi được nghe ông tán chuyện làm việc thiện nhiều hơn là chuyện bóng banh, đá chiến thuật gì, hay uống bia ở đâu ngon, mồi bén…
Tôi nói bầu Tùng sống rất tình, bình dân và cả giản dị có lẽ đã đúng ý mà nhiều người muốn nói!.