Chấn thương mắt cá chân và hướng dẫn đơn giản để khắc phục (phần 1)


Chấn thương mắt cá chân và hướng dẫn đơn giản để khắc phục (phần 1)

Tin Tức
THÁI SƠN (BIÊN DỊCH) - Thứ hai, ngày 24-04-2017 - 18:38:42
Bình luận
Chấn thương mắt cá là một trong những kiểu chấn thương phổ biến nhất trong bóng đá. Theo những điều tra y tế, chấn thương mắt cá chiếm tỷ lệ 13% trong các loại chấn thương khác nhau. Rõ ràng là rất đáng để lưu tâm.

Trong số 13% đó, có hơn một nửa ca là dãn hoặc rách dây chằng mắt cá chân. Chúng ta rất thường hay gặp trường hợp đang chạy bị gập bàn chân vào phía trong dẫn đến tổn thương mô, sưng mắt cá và đau đớn. Nguyên nhân dẫn tới chấn thương mắt cá rất đa dạng, có thể do va chạm bởi đối phương, hay một pha tiếp đất không hoàn hảo sau cú bật nhảy hoặc đơn giản chỉ là bước trẹo chân lúc di chuyển.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chấn thương mắt cá, cách điều trị cũng như cách phòng tránh. Hy vọng sẽ phần nào giúp anh em bảo vệ được bản thân tốt hơn trong “sự nghiệp” thi đấu của mình.

Vấn đề cơ bản với mắt cá chân là gì, tại sao lại hay chấn thương ở đây?
“Cổ chân và mắt cá là một cấu trúc hoàn hảo, nhưng do chúng ta đặt ra quá nhiều yêu cầu vận động cho những cấu trúc này nên đó là lý do chúng ta dễ bị chấn thương mắt cá”, Paul Bryce, một chuyên viên vật lý trị liệu, giải thích.

Thực tế là, theo bản chất tự nhiên, việc chơi bóng làm gia tăng những căng thẳng lên vùng mắt cá chân hơn nhiều lần so với các vận động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những động tác thường ngày chúng ta phải dùng mắt cá chân như đi bộ và lên xuống cầu thang đòi hỏi rất khác với những vận động chuyển hướng đột ngột, bứt tốc độ, bật nhảy hay tiếp đất khi chơi bóng.

Đó là chưa nói những va chạm trực tiếp trong thi đấu, những cú vào bóng đôi khi rất liều lĩnh cũng đặt mắt cá dưới những áp lực vượt quá giới hạn của nó. Nói đơn giản là mắt cá chân được tạo ra không phải để chịu đựng một cú vào bóng như Ross Barkley làm với Jordan Henderson ở tình huống dưới đây. 


Trở lại với những thống kê thì hơn một nửa ca chấn thương mắt cá (58%) là hệ quả từ những cú va chạm giữa các cầu thủ. Nhưng dù nguyên nhân có xuất phát từ việc va chạm với đối thủ hay cầu thủ tự dính chấn thương đi chăng nữa, thì vấn đề đáng bàn ở đây là sức nặng cơ thể sẽ dồn vào điểm tổn thương mắt cá và điều này có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Chấn thương mắt cá phổ biến là dây chằng mắt cá
Về mặt thống kê, chấn thương mắt cá phổ biến nhất là phần dây chằng mắt cá phía bên ngoài. Đây là chấn thương phổ biến không chỉ trong bóng đá mà còn ở rất nhiều môn thể thao khác. Bởi về cơ bản, bất kỳ môn thể thao nào đòi hỏi sự thay đổi hướng di chuyển trong thi đấu đều có nguy cơ gặp loại thương tích này.

Như Paul giải thích, khi bàn chân của chúng ta bị trẹo sang một bên là “thời điểm cực kỳ bất ổn” đối với mắt cá. Chúng ta đều biết ở vùng mắt cá có rất nhiều mô liên kết, mô mềm phức tạp nên mọi pha bước trẹo chân đều tác động tiêu cực lên mắt cá, chỉ là mức độ tổn hại ở mức nào mà thôi. 

Một ví dụ về mắt cá chân bị thương tổn

Bên cạnh đó cũng có nhiều loại chấn thương mắt cá khác cũng cần chú ý đến:
-Bong gân mắt cá - là khi mà dây chằng của chúng ta đã bị tổn thương nhưng vẫn có thể ổn định mắt cá, chưa đến mức bị rách hay đứt.
-Viêm màng hoạt dịch – là trường hợp xuất hiện chứng viêm xung quanh mô liên kết, xung quanh túi khớp cổ chân. Mặc dù nó có xảy ra trong thi đấu nhưng không thường xuyên như bong gân mắt cá.
-Giập mắt cá – đơn giản là cú va chạm mạnh khiến vùng mắt cá tổn thương gây đau đớn ngay lập tức, bầm tím nhưng nó không liên quan đến việc dây chằng bị dãn hay đứt.
-Gãy xương – đây là mức chấn thương thực sự nặng. Đôi khi một pha dẫm trẹo chân cũng có thể gây ra vết rạn nứt ở xương mác hay xương chày và cần phải được chụp chiếu để xác định mức độ chấn thương.

Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá