Chấn thương mắt cá chân và hướng dẫn đơn giản để khắc phục (phần 2)


Chấn thương mắt cá chân và hướng dẫn đơn giản để khắc phục (phần 2)

Tin Tức
THÁI SƠN - QUANG HÒA (BIÊN DỊCH) - Thứ năm, ngày 27-04-2017 - 09:09:27
Bình luận
Trong phần 1 bài viết chúng ta đã tìm hiểu những trường hợp chấn thương mắt cá chân phổ biến, ở phần 2 này chúng ta tiếp tục xem xét cách điều trị khi bị chấn thương mắt cá.


- Điều trị chấn thương mắt cá trong ngắn hạn
Chấn thương mắt cá gây ra những bất tiện trong sinh hoạt vì khiến cho chúng ta đau đớn mỗi khi cần di chuyển. Nhưng làm thế nào để thực sự biết mức độ nghiêm trọng của chấn thương liệu có đến mức cần phải gặp bác sỹ hay không? Chuyên gia vật lý trị liệu Paul Bryce khuyến nghị rằng nếu có bất kỳ biểu hiện nào trong số những dấu hiệu sau đây, hãy đến bệnh viện khám cho chắc:

+ Chân đau đến mức không thể tự đi lại được (sức nặng cơ thể dồn lên chân bị thương khiến bạn rất đau).
+ Có sự biến dạng rõ ràng: sưng tấy hoặc mắt cá chân không ở vị trí bình thường (trật khớp).
+ Cảm thấy rất đau ở phần xương chứ không chỉ là đau ở phần dây chằng hoặc cơ.

Những dấu hiệu này có thể là anh em đã bị rạn hoặc gãy xương và tình hình thực sự nghiêm trọng, cần nhanh chóng được các chuyên viên y tế chăm sóc. Cũng cần chú ý đến bất kỳ biểu hiện bị tê bì hoặc khó khăn khi vận động về sau này vì những điều này cũng có thể chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Khi bị trật cổ chân chứ không phải gãy xương, đây vẫn là loại thương tích nghiêm trọng, thì khả năng sẽ có ảnh hưởng đến dây chằng. Trường hợp này, điều quan trọng là nắn chỉnh và nghỉ ngơi hồi phục. Anh em nên tránh không tiếp tục chơi bóng cho đến khi hoàn toàn bình phục.

Trật khớp cổ chân khi đá bóng

NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY
Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản

Nếu chỉ là bong gân thông thường, anh em có thể áp dụng phương pháp RICE trong ngắn hạn. Đó là 4 bước xử lý gồm Nghỉ ngơi, Chườm đá, Băng ép và Kê cao vùng tổn thương. Cụ thể anh em có thể tìm hiểu ở bài viết TẠI ĐÂY.

Nhìn chung, khi bị chấn thương mắt cá chân, anh em cần đảm bảo sẽ nghỉ ngơi từ 24 đến 72 giờ đầu tiên sau khi bị thương. Đôi khi cần sử dụng nạng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đừng điên rồ đến mức băng bó chặt vết thương qua đêm bởi làm vậy sẽ khiến các dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép quá lâu, làm nảy sinh vấn đề mới.

Nếu anh em chỉ bị nhận một cú đá vào phần mô mềm thì không đến mức quá lo lắng. Có thể sẽ xuất hiện vết bầm tím nhưng không nghiêm trọng như là bong gân. Có thể áp dụng phương pháp RICE nhưng không cần tới quá trình tập hồi phục, chú ý là tránh để có thêm va chạm trực tiếp vào phần đang bị đau là được.

- Điều trị chấn thương mắt cá

Bước 1: Bắt đầu cử động chân từ sớm
May mắn cho các cầu thủ dính chấn thương mắt cá là đa phần không cần phải phẫu thuật. Thông thường những ca trẹo mắt cá chỉ khiến cầu thủ mất khoảng 2 đến 3 tuần để hồi phục.

Điều quan trọng là phải có một chế độ điều trị tốt. Theo bác sỹ vật lý trị liệu Paul Bryce, điểm mấu chốt giúp cầu thủ nhanh chóng hồi phục là họ phải cố gắng cử động chân càng sớm càng tốt. Một trong những vấn đề họ gặp phải là chỗ bị đau ở mắt cá thường sưng to khiến không thể đi lại thoải mái như bình thường.

Việc di chuyển sớm sau 2 đến 3 ngày có thể khiến cầu thủ bị đau, nhưng hãy nhớ rằng mắt cá của chúng ta được thiết kế để chịu đựng được điều đó. Thực ra bác sỹ Paul không ủng hộ việc cầu thủ phải cố gắng chịu đau quá mức để thu được kết quả tốt. Ý của ông chỉ là cầu thủ nên thực hiện những cử động đơn giản. 

Chấn thương mắt cá là loại chấn thương hay gặp nhất trong bóng đá
Chấn thương mắt cá là loại chấn thương hay gặp nhất trong bóng đá

"Không ai bị đau mắt cá chỉ vì họ xoay bàn chân theo đủ các hướng cả. Nếu thực hiện các động tác một cách thích hợp thì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn. Đơn giản, điều này có thể hỗ trợ cho một quá trình được gọi là "tổng hợp collagen". Nhờ đó, dây chằng bắt đầu được hồi phục", Paul chia sẻ.

Có một cách đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện để xoay mắt cá theo các hướng, đó là hãy thử tưởng tượng mình vẽ các ký tự trong bảng chữ cái bằng cách cử động ngón chân.

Bước 2: Phục hồi chức năng, quá trình tốn nhiều thời gian để điều trị chấn thương mắt cá
Giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình điều trị chấn thương mắt cá được gọi là phục hồi chức năng. Trong quãng thời gian này, cần phải nắm rõ các vị trí khớp của mình trong không gian và duy trì sự cân bằng trong việc cử động. Ví dụ, bạn có thể thực hiện một số bài tập được giới thiệu ở phía dưới.

Bạn cần phải biết xung quanh khớp xương mắt cá có một số mô mềm giữ vai trò cảm nhận. Nhiệm vụ của chúng là thu thập các thông tin phản hồi về vị trí xương khớp của bạn. Sau khi dính chấn thương, bạn cần phải tập luyện để các mô này hoạt động trở lại. Lý do là bởi nếu mô đã lành, nếu bạn không tập luyện để chúng gửi thông tin tới những bó cơ (qua đó mới vận động được khớp) và phản hồi thông tin đến hệ thống thần kinh trung ương, chúng ta không thể cảm nhận được vị trí khớp trong không gian. Đây là điều nguy hiểm và nguy cơ tái phát chấn thương là rất dễ xảy ra.

- Bài tập giúp bạn hồi phục chấn thương mắt cá
Có một số bài tập giúp bạn thúc đẩy quá trình hồi phục chấn thương diễn ra nhanh hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tập giữ thăng bằng ngay khi mình có thể đứng dậy mà không đau đớn.

Tập đứng thăng bằng trên dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng
Tập đứng thăng bằng với chân bị thương trên dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng

Đầu tiên, bạn hãy thử đứng vững chỉ bằng một chân, với 2 tay khoanh trước ngực. Theo bác sỹ Paul, việc bạn so sánh khả năng giữ thăng bằng khi đứng bằng chân không đau và chân bị đau là rất quan trọng. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, bạn hãy nhắm mắt lại và đứng ở vị trí dễ bị lung lay hơn (chẳng hạn như một tấm đệm chuyên dụng).

Tiếp tục so sánh việc giữ thăng bằng với 2 chân khác nhau. Nếu nhận thấy vẫn có sự khác biệt, bạn cần phải cân nhắc việc có nên trở lại thi đấu sớm hay không.

Khi bài tập trên khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn, bạn có thể thực hiện thêm một số bài tập mới như hướng dẫn dưới đây.

+ Tập chạy theo hình số 8 để liên tục thay đổi hướng
+ Tưởng tượng bạn đang đứng ở giữa mặt một chiếc đồng hồ và nhảy lên vị trí số 12. Sau đó nhảy lại về vị trí trung tâm. Lặp lại điều này, nhưng góc nhảy chuyển sang vị trí số 3. Cứ như vậy, bạn nhảy ra và vào vị trí trung tâm nhưng thay đổi góc tuần tự như chiều quay kim đồng hồ. Bài tập này giúp bạn tiếp đất và chịu xung lực dồn vào mắt cá ở các hướng khác nhau.
+ Tìm một chiếc bục hoặc tấm ván và nhảy lên đó. Khi nhảy lên và xuống, bạn phải học cách kiểm soát việc tiếp đất sao cho an toàn và ổn định nhất có thể. 

Bài tập nhẹ này giúp bạn có thể bật nhảy, chơi không chiến tốt và hạn chế được việc tái phát chấn thương khi quay trở lại với các trận đấu.

- Cách tốt nhất để tránh chấn thương mắt cá
Theo bác sỹ Paul, nhà tiên tri tốt nhất có thể dự đoán về chấn thương mắt cá của bạn trong tương lai chính là việc trước đó bạn từng bị đau mắt cá. Đa phần những cầu thủ bị tái phát chấn thương thương thường trải qua giai đoạn hồi phục không tốt hoặc không đầy đủ. Cũng dễ thông cảm cho các cầu thủ vì ai cũng muốn được sớm trở lại sân. Thực tế, quá trình hồi phục không đến nơi đến chốn chính là tiền đề cho những ca tái phát chấn thương trong tương lai.

Chấn thương mắt cá dễ tái phát nếu quá trình tập phục hồi không đầy đủ

Thực tế là, những ca chấn thương mắt cá sau này thường xảy ra ở đúng vị trí trước đó cầu thủ bị đau. Theo các chuyên gia y tế, khi mắt cá của bạn trở nên bất ổn thì nguy cơ bị tái phát chấn thương là dễ xảy ra. Chính vì thế, bạn cần phải tăng cường sự ổn định của mắt cá trước khi nghĩ tới chuyện trở lại.

Các bài tập như đã đề cập ở phía trên chính là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu (dù điều đó không đảm bảo cầu thủ sẽ miễn nhiễm với chấn thương) giúp hạn chế những ca chấn thương trong tương lai. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu bạn mang thêm vật nặng thì mắt cá của mình sẽ phải chịu thêm sức ép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ chấn thương mắt cá tăng thêm.

Ngoài ra, cấu trúc chân mỗi người cũng ảnh hưởng tới việc họ có dễ dính chấn thương hay không. Theo lời khuyên của các chuyên gia, những người có lòng bàn chân phẳng nên đeo thêm thiết bị đặc biệt để giúp gia tăng sự chắc chắn. Cuối cùng, cầu thủ cũng nên hạn chế những pha vào bóng của đối thủ vào mắt cá và đeo tấm bảo vệ mắt cá thì càng tốt.

- Băng mắt cá có phải là ý tưởng tốt?
Một giải pháp được đề xuất cho việc chữa chấn thương mắt cá là phải băng bó chỗ bị đau. Tuy vậy, chuyên gia Paul lại không ủng hộ ý tưởng này. Theo ông, chỉ nên băng mắt cá trong những trường hợp đặc biệt để giữ ổn định cho chân.

- Kết luận
Không còn nghi ngờ gì nữa, chấn thương mắt cá chính là một trong những vấn đề khó chịu nhất mà cầu thủ phải đối mặt. Thông thường, cầu thủ không được chẩn đoán, điều trị hay áp dụng quá trình phục hồi đúng cách. May mắn là qua bài viết này, bây giờ bạn đã có thể biết phải làm gì để lần tới không còn lâm vào tình cảnh như trên.
Nguồn: BongdaPhui.net
BÌNH LUẬN:
Nội dung bình luận...
Gửi đi
  Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ BÓNG ĐÁ - Cơ quan của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
2015 © BÓNG ĐÁ PHỦI - Chuyên trang của Tạp chí điện tử Bóng Đá